Đình thôn Trung (huyện Gia Lâm)
Đình thuộc thôn Trung, xã Dương Hà, Gia Lâm, Hà Nội.
Theo bia ký do Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) Hoàng Đôn Phu soạn năm Chính Hoà 19 (1698) thì đình dựng vào thế kỷ XVII để thờ vị công thần thời Hai Bà Trưng là Hà Uyên và hai vị thiên thần đã hiển ứng giúp việc hộ quốc an dân.
Đình thôn Trung có quy mô kiến trúc lớn gồm Đại đình, Hậu cung và tả hữu vu. Từ ngoài vào, qua sân đình, 2 bên tả hữu vu đến Đại đình nối với Hậu cung kiểu chữ đinh. Đại đình gồm 5 gian 2 chái, kiểu 4 mái có đao cong, hai bờ dải có đắp các con giống trang trí. Các vì kèo làm kiểu khác nhau giữa hai vì giữa, hai vì cạnh và hai vì đầu hồi. Vì giữa kết cấu kiểu chồng rường, cốn nách, có 2 đầu dư, tất cả đều được chạm trổ với những nét thanh thoát. Vì bên có dạng trên chồng rường dưới kẻ, phần chạm chỉ tập trung vào đầu hai con rường. Còn hai vì đầu hồi có phần trên có trụ đỡ thượng lương. Mặt trước đình, gian giữa có cửa bức bàn, 2 gian bên cạnh xây tường mở cửa sổ, còn 2 gian cuối mở kiểu cửa 2 cánh có bản lề. Nền đình lát gạch Bát Tràng. Đình có hệ thống sàn, ngày nay chỉ còn dấu tích với các lỗ mộng ở thân cột. Hậu cung đình gồm 2 gian dọc, nối với gian giữa Đại đình và Hậu cung có hệ thống cửa, phần giữa là cửa bức bàn, hai bên có 2 cửa nách. Vì kèo kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ. Tất cả đều được chạm trổ rồng và hoá rồng.
Nhìn chung Đại đình và Hậu cung có kết cấu chắc chắn và được chạm trổ hoa văn truyền thống của các kiến trúc gỗ Việt Nam. Nhiều nét theo phong cách cuối thời Lê.
Đình còn giữ được một số hoành phi, câu đối, bát bửu, long ngai, kiệu và một số sắc phong từ cuối thời Lê cho đến thời Nguyễn.
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02