Đình Tình Lam (huyện Quốc Oai)
Nằm bên hữu ngạn sông Đáy, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km về phía tây, đình thuộc thôn Tình Lam, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Vốn xưa, thuộc tổng Bất Lạm, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai. Tới thế kỷ XIX, đình nằm trong thôn Hoàng Xá, xã Tình Lam, tổng Bất Lạm, phủ Quốc Oai... Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tình Lam hợp cùng Đại Tảo và Đỗ Tràng thành xã Đại Thành thuộc Quốc Oai, Sơn Tây. Từ năm 1979, tách khỏi huyện Quốc Oai nhập về huyện Hoài Đức. Đến di tích có thể đi theo đường Hà Đông - Quốc Oai, qua đình So hỏi đường vào đình.
Hiện nay, đình đã qua nhiều lần tu bổ, khiến nghệ thuật hiện tại không vượt quá thế kỷ XIX trở về trước. Mở đầu cho đình là bức bình phong lớn, hai bên bổ trụ gạch. Qua một khoảng sân vào Đại đình, là một kiến trúc 5 gian kiểu tường hồi bít đốc. Tường đốc nhô ra phía trước theo thế tay ngai và kết thúc bằng hai trụ xây. Đỉnh trụ kết hình 4 chim phượng theo kiểu “lá lật” tượng cho bầu trời đầy linh khí. Dưới đó là hổ phù và tứ linh để có cuộc sống no đủ.
Toà Đại đình có bộ khung gỗ với các bộ vì kiểu: giá chiêng chồng rường con nhị, bốn hàng chân... chủ yếu nghệ thuật trên kiến trúc tập trung vào gian giữa, các vì khác phần nhiều bào trơn đóng bén. Đề tài chạm khắc ở giữa được thể hiện cả ở “cốn” (phần kết cấu giữa cột cái và cột quân ) ở vì nóc... với các đề tài mây cuộn, vân xoắn, rồng uốn, rồng cuốn thuỷ, rồi phượng, lân, rùa hợp thành tứ linh, điểm xuyết là hoa lá và sóng nước cách điệu.
Hậu cung của đình đơn giản, nơi đó có ban thờ thành hoàng với các đồ thờ khác như nhang án gỗ, bát hương đỉnh đồng, cây nến đồng, long ngai, bài vị, đồ tế rước... Đáng quan tâm là đình có 16 đạo sắc, trong đó có cả sắc Quang Trung ngũ niên (1792), rồi thần phả, kiện mui luyện khá cổ. Đặc biệt, có bốn tấm bia hậu thần, mà tấm sớm nhất là năm 1750.
Đình thờ Linh Lang đại vương làm thành hoàng làng. Có nhiều nơi thờ ngài, người Việt đã thêu dệt để ngài trở thành con vua Lý, có công đánh giặc cứu nước; song suy cho cùng, gốc gác của ngài là rắn, hiện thân của phúc thần, nguồn nước ngọt tưới mát ruộng đồng và mọi kiếp đời. Cùng thờ với ngài còn có Ả Lã Nương Nương và em trai nàng, do có công lớn tập hợp dẫn nổi lên giúp hai Bà Trưng đánh giặc, sau đó dạy dân cày cấy. Hai người được dân tôn sùng và cũng trở thành Thành hoàng làng.
Đình Tình Lam đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02