Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Tiên Lữ (huyện Chương Mỹ)

Sơn Dương (t/h) 16/07/2023 09:26

Đình Tiên Lữ hiện nay nằm trên địa phận thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội.

Địa danh này xưa thuộc xã Tiên Lữ, tổng Tiên Lữ, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai. Trong tiềm thức của người dân thì vùng đất này được mệnh danh là chốn địa linh nhân kiệt. Đây là nơi toạ lạc của danh lam cổ tự chùa Trăm Gian và những di tích khác.

Theo tấm Mộc bản sao lại vào triều Nguyễn, thì thành hoàng làng Tiên Lữ là Tây Phương đại vương - một trong Ngũ vị đại vương. Theo Kinh Dịch thì số từ ngũ ứng với ngũ phương: Đông phương, Tây phương, Nam phương, Bắc phương và Trung phương. Trong tiềm thức của người dân vùng này thì mỗi phương đều có một vị thần cai quản. Lai lịch của các vị thành hoàng này có thể diễn tích như sau: Vào thời Trần, ở Động Bối có một gia đình họ Nguyễn sinh được một người con trai tên là Nguyễn Bình An, vốn nổi tiếng là người từ bị mộ Phật. Ngay từ nhỏ, ông đã xuất gia tham vấn học thiền tại chùa Tràng An và Quảng Nghiêm. Sau một thời gian tu luyện, ông đã đắc đạo và viết ra bộ kinh đảo vũ, cầu gió gọi mưa, giúp nhân dân trong vùng được nhuần tưới ân đức của ngài.

Truyền rằng, khi tu sửa chùa Quảng Nghiêm, ông đã dùng phép thuật giúp công việc được thuận tiện. Chính vì vậy, sau khi ngài hoá nhân dân địa phương trong vùng và Bối Khê (hiện nay là thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) phụng thờ và được các triều đại về sau phong sắc cho là Bồ tát chân nhân.

Cuối thời mạt Trần, giặc Minh đem quân sang xâm lược nước ta. Chúng ra sức vơ vét của cải và tàn hại dân lành khiến mọi người vô cùng căm phẫn. Khi kéo đến vùng Tiên Lữ này, thấy đây là nơi hội tụ linh khí của trời đất và nơi toạ lạc của ngôi chùa cổ, chúng liền tiến hành đốt phá chùa hòng thiêu huỷ văn hoá của người Việt. Tại toà Hậu cung của chùa Quảng Nghiêm có một pho tượng mây của đức Bồ tát chân nhân, chúng liền mang ra ngoài tẩm dầu để đốt. Nhưng lạ thay, pho tượng vẫn không hề hấn gì.

Sự tích viết rằng: Sau khi giặc Minh đốt phá chùa, Ngũ vị đại vương đã âm phù nghĩa quân Lam Sơn và cùng với đức Thánh làm ra trận mưa máu để đánh đuổi giặc Minh. Chính sự hợp linh và trận mưa máu này đã làm cho giặc Minh khiếp sợ và làm trả lại chùa. Sau khi đất nước thanh bình, nghĩ tới công lao của Ngũ vị đại vương, Lê Lợi đã ban sắc cho nhân dân bản quán phụng thờ các ngài để tỏ rõ sự linh ứng về sau

Đình Tiên Lữ là một ngôi đình cổ còn in đậm dấu tích kiến trúc nghệ thuật thời Lê - Nguyễn. Đình kết cấu theo kiểu chữ “công”, bao gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Bằng đài, Đại bái và Hậu cung. Nghi môn đình Tiên Lữ là một hạng mục công trình khá đồ sộ nằm sát trục đường. Nghi môn được tạo tác với một lối đi chính và hai lối đi phụ.

Đại bái gồm ba gian hai chái được thiết kế theo kiểu đình sàn. Nhìn một cách trực diện, ở hai đầu bờ nóc đắp đầu rồng cách điệu, bốn mái phẳng, ở bờ giải đã được tiền nhân trang điểm hai con nghê. Bên trong đại bái là các bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ, trên các hàng chân cột. Phần mái của Đại bái được bưng bằng ván có trang trí hoạ tiết hoa văn của những linh vật. Hậu cung đình Tiên Lữ được thiết kế theo kiểu thức một gian hai chái. Đây là nơi thâm nghiêm nhất của di tích, đồng thời cũng là nơi bài trí các đồ thờ tự biểu thị sự uy linh của đức thành hoàng làng.

Đình Tiên Lữ có bề dày lịch sử hàng trăm năm, nhưng hiện vẫn còn bảo lưu lại được nhiều di vật quý như 1 long ngai bài vị, 2 sập thờ, 6 đôi câu đối gỗ, 2 bài trâm,1 sắc phong thời Thiệu Trị thứ 4 và nhiều đồ thờ tự khác

Hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội vào các ngày mùng 9, 10, 11 tháng Giêng âm lịch.

Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 2008./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)