Không gian sống

Hà Nội: Các dự án đại đô thị chú trọng cảnh quan kiến trúc, môi trường sống

Đình Thế 15/07/2023 08:17

Chiều 14/7, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư "Đô thị mới đang được hình thành phía đông Tp. Hà Nội, có thực sự tạo hấp lực cho thị trường Bất động sản" kết hợp đánh giá thị trường bất động sản quý II và 6 tháng đầu năm 2023.

Giới hạn thị trường

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch VARS nhận định, nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực từ nền kinh tế chung và các vướng mắc nội tại thị trường chưa được giải quyết một cách triệt để. Mặc dù Chính phủ đã thể hiện sự đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi bằng việc ban hành các cơ chế, chính sách mới.

Tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ khiến toàn bộ các đối tượng tham gia thị trường BĐS điêu đứng, rã rời mà kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành nghề liên quan khác. Khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong thị trường đã đến mức giới hạn. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng.

z4516992623855_c258a1ade515ffd990aa9e1edbbb0ef8.jpg
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Theo dữ liệu nghiên cứu của VARS, thị trường bất động sản Việt Nam quý II/2023 với những diễn tiến tích cực hơn quý I/2023 nhưng vẫn cần thêm các động lực mạnh mẽ hơn để có thể tạo sức bật, giúp thị trường sớm "đảo chiều". Nguồn cung ra thị trường trong quý đạt khoảng 20.000 sản phẩm.

Lượng giao dịch trong quý ghi nhận phục hồi nhẹ, đạt khoảng 3.704 giao dịch ( xấp xỉ 18% tổng nguồn cung mở bán mới), tăng hơn 30% so với quý trước nhưng vẫn giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm được giao dịch đều là các sản phẩm có chất lượng xây dựng cao, pháp lý minh bạch với giá thành phù hợp. Trong đó, 80% lượng giao dịch là căn hộ chung cư có pháp lý “sạch”, phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín. Phát sinh từ cả các khách hàng mua phục vụ nhu cầu ở thực và cả nhà đầu tư.

Theo VARS, lượng giao dịch chỉ có thể bật tăng nếu nguồn cung trên thị trường được cải thiện với nhiều sản phẩm đa dạng, với mức giá phù hợp với thu nhập trung bình cũng như tài sản đã tích lũy của đại đa số người dân. Nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính do tình hình kinh tế chung, bị chôn vốn ở các dự án trước đó trong khi điều kiện vay mua ngày càng siết chặt.

Bên cạnh đó, giá bất động sản nhà ở thứ cấp, đặc biệt là sản phẩm đất nền có sự phân hóa theo phân khúc giá. Dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu thực, có giá dưới 2 tỷ đồng/sản phẩm, ghi nhận mức giá tăng khoảng 5-7% so với quý trước, một số khu vực ghi nhận hàng trăm giao dịch thành công.

Ngoài ra, phân khúc căn hộ chung cư tiếp tục tăng cao với nhu cầu thuê, mua tăng vọt, nhất là ở phân khúc bình dân và trung cấp. Trong khi các sản phẩm cao cấp, giá tiếp tục có sự điều chỉnh giảm, 20-30% so với đỉnh sốt với tốc độ thanh khoản chậm, đây vẫn là mức giá "cắt lãi" khi mua trực tiếp từ chủ đầu tư của các nhà đầu tư trung, dài hạn.

Đô thị mới phía Đông TP. Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ

Tại Hội nghị, các chuyên gia kinh tế, bất động sản cùng nhau đánh giá về các thông tin liên quan đến quy hoạch cũng như hạ tầng giao thông khu vực phía Đông TP Hà Nội. Đồng thời, các cơ chế, chính sách phát triển thị trường BĐS khu vực này cũng được các chuyên gia đặt ra. Trong đó khẳng định khu vực phía Đông Hà Nội đang là điểm sáng của thị trường, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư với nhiều tiềm năng, dư địa phát triển.

z4516992615735_b0ebdab352f37accfffe9f0e2e38f0b1.jpg
PGS. TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện KT Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng CP.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ cũng nhận định, khu phía Đông là thị trường đi sau nhưng có lợi thế to lớn về hạ tầng giao thông, quỹ đất, cơ chế để thị trường bất động sản có thể phát triển mạnh mẽ.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, khu phía Đông đang trên hành trình vươn lên trở thành thị trường nhiều tiềm năng, hứa hẹn sẽ là vùng trũng thu hút đông đảo nhà đầu tư đổ về.

z4516992615946_06fe963d5dd87b8389000e2f6bf380cb.jpg
Ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và phát triển BĐS SGO Homes, thành viên Tổ công tác thị trường VARS.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và phát triển BĐS SGO Homes, thành viên Tổ công tác thị trường VARS cho biết, trước đây, giai đoạn từ năm 2008-2018, khi nói đến thị trường BĐS Hà Nội, nhà đầu tư chỉ nhắc đến khu vực phía Tây và Bắc thành phố bởi khu vực phía Đông di chuyển không thuận tiện, cản trở bởi yếu tố địa lý.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường BĐS khu vực phía Đông Hà Nội chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ với hàng loạt các dự án đại đô thị “all in one" đẳng cấp cùng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Trước năm 2020, lực cầu chủ yếu là cầu đầu tư thì từ năm 2020, xuất hiện nhiều hơn đối tượng khách hàng mua để ở. Thời gian tới, đô thị khu vực phía Đông Hà Nội sẽ đón nhận lực cầu mạnh mẽ từ làn sóng dịch chuyển dân cư từ khu vực trung tâm Hà Nội, vốn đã bị quá tải với quỹ đất cạn kiệt. Sự lựa chọn ưu tiên của các tầng lớp, chuyên gia trí thức ở các tỉnh thành gắn với phát triển CN xung quanh đáp ứng nhu cầu về nơi ở cao cấp ở khu

Thị trường bất động sản khu vực phía Đông đã hình thành và phát triển, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các dự án đại đô thị chú trọng cảnh quan, môi trường sống gắn liền với tiện ích của cư dân cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng góp phần tạo nên một diện mạo mới, tạo ra sự sôi động cho thị trường bất động sản khu vực phía Đông Thủ đô./.

Đình Thế