Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Tình Quang (quận Long Biên)

Sơn Dương (t/h) 13/07/2023 17:07

Đình Tình Quang cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 15km về phía đông bắc, toạ lạc giữa khu dân cư của thôn Tình Quang, xã Giang Biên, huyện Gia Lâm, nay là phường Giang Biên, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.

dinh-tinh-quang.jpg
Đình Tình Quang

Tình Quang là một làng cổ của xứ Kinh Bắc xưa, tên nôm của làng là Vịa. Xưa, vùng đất này nằm trong địa bàn giao lưu giữa kinh đô Cổ Loa (ở phía bắc) với Luy Lâu (ở phía nam) và kinh thành Thăng Long (ở phía tây). Những chứng tích lịch sử này còn lưu lại ở tên của các xứ đồng thuộc làng Tình Quang như: Thành, Dinh, Đống Cung, Cổ Ngựa, Cửa Khâu, Vườn Hồng, Vườn Yến...

Căn cứ vào tấm bia niên hiệu Chính Hoà (1676) và các dấu vết kiến trúc hiện còn thì đình Tình Quang được dựng vào khoảng đầu đời Lê - Chính Hoà. Đình có quy mô kiến trúc bề thế, khang trang, được dựng ở một vị trí đẹp, phía trước có ao đình mang ý nghĩa tụ thuỷ để cầu mong mọi vật sinh sôi, phát triển. Xưa kia, bên cạnh di tích còn có miếu nhà bia họ mã, có Tam môn và lăng Đinh Điền. Đến năm thứ 9 niên hiệu Tự Đức (1856) do đào con sông Đuống thay cho sông Thiên Đức, năm 1913 đê bị vỡ phải đắp con đê quai vì vậy đình vốn ở trong đồng, (chùa vốn ở ấp vùng sông Thiên Đức) trở thành ngôi đình nằm ở ngoài bãi. Từ năm 1918 - 1922, đình được trùng tu lớn, năm 1935 sửa chữa 2 bên dải vũ, năm 1946 quân Pháp đóng ở đình, năm 1971 trùng tu lại. Đình được tu bổ lớn vào đầu những năm 2000.

Đình thờ Lý Bí, Đinh Điền và Lý Chiêu Hoàng.

Tháng giêng năm 542, Lý Bí lãnh đạo nhân dân đánh đuổi thứ sử nhà Lương là Tiêu Tư giải phóng đất nước, tháng giêng năm 544, Lý Bí tuyên bố dựng nước, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Ông lên ngôi hoàng đế, xưng là Lý Nam Đế, đặt niên hiệu là Đại Đức, đóng đô ở Long Biên.

Đinh Điền, là một tướng của Đinh Tiên Hoàng, có công lớn trong sự nghiệp thống nhất đất nước, dẹp loạn 12 sứ quân ở thế kỷ X.

Lý Chiêu Hoàng vị nữ hoàng cuối cùng của triều Lý, sau nhường ngôi cho nhà Trần (Trần Cảnh).

Đình quay hướng đông, phía trước có ao, trên bờ ao dựng tấm bia năm thứ 5 niên hiệu Vĩnh Thịnh (1709), qua ao đến nghi môn, sân, 2 dãy dải vũ. Đình có mặt bằng hình chữ “đinh”, Đại đình 5 gian, Hậu cung 3 gian. Mặt bằng Đại đình có 6 hàng chân với 60 cột gỗ tròn được làm theo kiểu thượng thu, hạ thách. Bộ khung được làm kiểu vì giá chiêng.

Giá trị nổi bật của di tích là phần nghệ thuật trang trí trên kiến trúc. Có lẽ hiện nay trong nội thành Hà Nội chỉ còn vài ba di tích giữ lại được nhiều mảng chạm với các đề tài phong phú, uyển chuyển mang đầy tính nghệ thuật và thể hiện được ý nghĩa sâu xa.

Ngoài những giá trị về mặt kiến trúc, đình Tình Quang còn bảo lưu được hệ thống di vật có giá trị như: bia đá niên đại Chính Hoà (1676), sắc phong, ngai thờ, kiệu, cửa võng, hoành phi, câu đối, hương án... mang giá trị lịch sử, nghệ thuật, thẩm mỹ trong việc tìm hiểu về quá trình tồn tại của di tích cũng như sự hình thành và phát triển của vùng đất cổ này.

Đình Tình Quang không chỉ là một di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật đẹp, có giá trị về nhiều mặt, mà nơi đây còn là nơi ghi dấu những sự kiện cách mạng của địa phương. Chính ngôi đình là nơi nuôi dưỡng, che giấu nhiều đồng chí cán bộ cách mạng về hoạt động tại Giang Biên. Di tích vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo của Trung ương và Hà Nội về thăm như: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương v.v...

Đình Tình Quang đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)