Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Tháp Thượng (huyện Đan Phượng)

Sơn Dương (t/h) 12/07/2023 17:44

Đền Tháp Thượng thuộc địa phận xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

den-thap-thuong.jpg
Đền Tháp Thượng

Nằm trên bờ sông Đáy, thuộc địa phận thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng. Đền Tháp Thượng cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km về phía tây, đền có kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Tiền tế và Hậu cung.

Toà Tiền tế là một ngôi nhà 5 gian hồi bít đốc, các bộ vì được làm theo lối “chồng rường, hạ kẻ và bẩy hiện”. Con kẻ có dáng cong nên tạo vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng, 4 vì kèo được đỡ bởi 4 hàng chân cột chắc chắn. Ba gian giữa được làm hệ thống cửa bức bàn, hai gian bên xây tường có trổ cửa sổ tạo sự thông thoáng cho công trình. Hậu cung gồm 3 gian nối liền với gian giữa của toà Tiền tế. Các bộ vì được làm tương tự như toà Tiền tế, riêng vì kèo sát cung cấm làm theo kiểu ván bưng. Phần cung cấm có khám thờ làm bằng gỗ có kích thước 2,4m x 2m. Bên trong khám đặt 3 bộ long ngai, bài vị thờ Tam vị đức Thánh Cả, Đức Lôi Chấn và đức Bản thổ. Trong khám thờ lưu giữ 20 đạo sắc phong và 1 cuốn ngọc phả. Đạo sớm nhất thuộc nhà Hậu Lê, niên hiệu Chiêu Thống thứ nhất (1786). Phía trước ngai có các đồ tế khí như lư hương, hạc thờ, cây đèn.

Bên ngoài cung cấm đặt một sập chân quỳ dạ cá, trang trí theo đề tài tứ linh, hoa lá, vân xoắn cách điệu. Ở Tiền tế đặt bộ kiệu bát cống dùng để rước long ngai bài vị trong dịp làng vào hội. Gian giữa xây một bệ cao, có các đồ thờ như bát bửu, biển, lọng. Hai gian bên có đôi ngựa thờ, một con trắng và một con đỏ cao 2m. Trong đền còn 3 bức hoành phi, 3 đôi câu đối sơn son thếp vàng, ca ngợi cảnh quan và công đức Tam vị thánh thần. Thần phả ghi rằng: Đức thánh được nhân dân thờ phụng là tướng quân Lôi Chấn. Ngài vốn quê ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường nay thuộc tỉnh Nam Định. Thân phụ ngài là Cao Cự, từng làm quan ở huyện Đan Phượng thời thuộc Hán. Bấy giờ, Cao Cự bị Thái thú Tô Định giết hại khi Lôi Chấn mới lên 10 nên chịu nhiều cơ cực. Lớn lên, ngài chiêu mộ binh sĩ trong huyện được 500 người kéo về phù giúp Hai Bà Trưng đánh giặc và lập nhiều công lớn. Về sau, Trưng Vương thất bại, ngài chu du thiên hạ, vui cảnh sơn thuỷ hữu tình. Sau khi ngài hoá, dân thôn Tháp Thượng rước duệ hiệu của ngài về thờ, hàng năm tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn ngài.

Đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)