Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Thuần Lương (huyện Chương Mỹ)

Sơn Dương (t/h) 12/07/2023 17:32

Đình Thuần Lương thuộc địa phận xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

dinh-thuan-luong.jpg
Đình Thuần Lương

Đình Thuần Lương tọa lạc ở vùng bán sơn địa, có nhiều đồi gò, sông suối như núi Tràng Sơn, núi Sáo Sơn, sông Bùi, suối Chiềng... Đây là vùng hỗn cư của người Mường - Việt nên ý niệm về phong thuỷ như rồng chầu, hổ phục, minh đường, án đường đã được chú ý. Do vậy, đình Thuần Lương đã được cổ nhân chọn nơi cao ráo, phía trước có hồ nước lớn để dựng đình làng.

Theo cuốn Thần phả do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), được chép lại vào năm Khải Định thứ 9 (1924), hiện đang lưu tại đình cùng 7 đạo sắc phong thời Lê và Nguyễn thì đình Thuần Lương thờ hai vị Thành hoàng thời Hùng Vương là Hùng Nghị Vương (huý là Bảo Quang Lang) và Hùng Duệ Vương (huý là Huệ Lang).

Đình Thuần Lương xây dựng trên mảnh đất trung tâm của làng. Kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” gồm một toà Đại bái 5 gian và phía sau là Hậu cung. Đại bái có 24 cột bằng gỗ lim. Trong số các cột này có nhiều cột do đồng bào Mường ở xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình cung tiến. Làng Thuần Lương từ năm 1947 về trước là một làng Việt nhưng chung sống về mặt hành chính với người Mường (Hoà Bình) thuộc châu Lương Sơn. Châu này chỉ có ngôi đình Thuần Lương là cổ kính và to lớn nhất. Khi xây dựng đình, người Mường đã vận chuyển gỗ theo đường bộ rồi thả bè xuống sông Bùi, đến bến Tinh Mỹ cạnh làng Thuần Lương thì đưa gỗ lên.

Vào các ngày hội làng mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, người Mường vẫn mang cồng chiêng về đình Thuần Lương dự hội. Những năm xưa, có lần dân làng Thuần Lương còn rước kiệu bát cống lên Vĩnh Đồng cho quan lang và dân bản chiêm bái.

Trong đình hiện còn bảo lưu nhiều mảng chạm khắc đẹp, tập trung ở các bức cốn. Các đề tài chạm khắc theo các tích “ngư long hý thuỷ”, “tùng hạc”, “mai điểu”, “trúc hoá long”, hoa sen và cá chép... rất sinh động mang dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn.

Thuần Lương là vùng đất bán sơn địa, có nhiều đồi gò mọc quanh làng, có sông, có suối chảy qua. Người xưa đã chọn địa điểm xây đình cao ráo, phía trước thoáng rộng, có hồ nước lớn để dựng đình làng. Một bài thơ Nôm dài trên 100 câu vẫn được người làng Thuần Lương truyền miệng đến ngày nay (trích): Huyện thì là huyện Lương Sơn/ Có tổng Phương Hạnh, có làng Thuần Lương/ Ngăm Ngành, Đá Bạc, Đồng Xương/ Lại thêm Tứ Trại phú cường đa đinh/ Thuần Lương chính thực quê mình...

Đình Thuần Lương một di tích hiện diện ở vùng bán sơn địa, có sự đóng góp của đồng bào Mường Hoà Bình..., là một di tích độc đáo hiếm thấy.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1988./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)