Hà Nội

Luật Thủ đô tạo động lực mới cho sự phát triển của Hà Nội

Trung Kiên 12/07/2023 14:10

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Với 4 chương, 27 điều, Luật Thủ đô 10 năm qua được thực thi, đã tạo động lực mới cho sự phát triển của Hà Nội trong tình hình mới.

hnoi.jpg
Đêm quảng trường Ba Đình nhìn từ trên cao (Ảnh: Vũ Long).

Cũng như Thủ đô các nước khác trên thế giới, Hà Nội là “trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”.

Ngay sau ngày giải phóng Thủ đô, Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô để đưa Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò quan trọng quốc gia đặc biệt của mình. Các Nghị quyết, văn bản của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đều khẳng định phát triển Thủ đô là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đề ra những định hướng quan trọng về phát triển Thủ đô; yêu cầu xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô, giao Thủ đô thực hiện một số chức năng, quyền hạn riêng về thu hút, sử dụng vốn; quản lý đô thị, dân cư, nhà đất.

vmd.jpg
Khuê Văn Các - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô có lúc chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng. Nhiều vấn đề bất cập trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chưa được giải quyết có hiệu quả như công tác quy hoạch, quản lý đô thị; tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều chưa theo kịp; tình trạng ô nhiễm môi trường; nạn ách tắc giao thông; sự xuống cấp của cảnh quan đô thị; tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành.

Trước thời điểm Luật Thủ đô được thông qua, nhiều chuyên gia cho rằng, ở nhiều bình diện, Hà Nội với tư cách là Thủ đô của một nước đang “bị bó tay” trước những vấn đề lớn nảy sinh, nhất là khi Thủ đô mới mở rộng gấp 3 lần diện tích (2008) và có sự chênh lệch lớn về điều kiện kinh tế - xã hội giữa các vùng trung tâm đô thị, nội thành, ngoại thành. Vì thế, Hà Nội rất cần những đòn bẩy pháp lý phù hợp và tương xứng làm động lực phát triển ở các lĩnh vực như: dân cư, đất đai, nhà ở, giáo dục và đào tạo, giao thông vận tải, môi trường, khoa học công nghệ, hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, quản lý và xử lý chất thải rắn, hệ thống thông tin liên lạc), bảo tồn và phát triển văn hóa…

Tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô, nâng Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội lên thành Luật, xử lý những vấn đề tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời luật hóa một số nhiệm vụ, giải pháp phù hợp mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến - anh hùng - hòa bình - hữu nghị của dân tộc Việt Nam. Ngày 21/11/2012, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Thủ đô.

hnoi2.jpg
Hà Nội phát triển không ngừng.

PGS.TS Nguyễn Thành Công - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội đánh giá: Luật Thủ đô là một văn bản pháp lý quan trọng tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị tạo cơ chế đặc thù phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Luật Thủ đô tiếp tục khẳng định: “Thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội”. Luật đã quy định trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của Đảng, Nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội cũng như nhân dân cả nước. Thủ đô có trách nhiệm chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển; tích cực mở rộng quan hệ, hợp tác hữu nghị với thủ đô các nước, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây dựng, phát triển Thủ đô. Tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, nhân dân Thủ đô tham gia các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ.

Để xây dựng Hà Nội trở thành thành phố hiện đại và mang đậm bản sắc truyền thống của mình, xứng đáng là Thủ đô của cả nước, Luật Thủ đô quy định không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị trên địa bàn Thủ đô phải được quản lý theo đồ án quy hoạch, bảo đảm tạo lập không gian xanh và bảo tồn, tôn tạo, phát huy các hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử.

hoang-thanh.jpg
Hoàng thành Thăng Long về đêm.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của Hà Nội và tham khảo kinh nghiệm một số nước, khoản 2 Điều 11 của Luật thủ đô xác định các khu vực quan trọng được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bao gồm: khu vực Ba Đình; di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; di tích Hoàng thành Thăng Long; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; các di tích quốc gia đặc biệt khác trên địa bàn Thủ đô; Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch; phố cổ, làng cổ, biệt thự cũ.

Điều 13 của Luật Thủ đô về phát triển khoa học và công nghệ, điểm mới là cho phép HĐND thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài; chính sách ưu đãi để áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học và công nghệ và các nhà khoa học và công nghệ tham gia thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô trên cơ sở cân đối nguồn lực của địa phương để thực hiện.

Từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội, Điều 14 của Luật Thủ đô quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, trong đó có quy định khác so với Luật Bảo vệ môi trường thời điểm lúc bấy giờ. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một số quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn Thủ đô nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn môi trường quốc gia; nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa; san lấp sông, suối, hồ; phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường…

Trong quản lý đất đai, điểm mới của Luật Thủ đô (khoản 2 Điều 15) cho phép HĐND thành phố Hà Nội căn cứ quy định của pháp luật, yêu cầu thực tế và bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và của người có đất bị thu hồi, ban hành các biện pháp bảo đảm việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô.

Từ thực tế nêu trên và qua báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp, UBND Thành phố Hà Nội thời gian qua, việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô trong 10 năm qua góp phần giúp Hà Nội thiết lập đồng bộ các công cụ pháp lý cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” của Chính phủ./.

Trung Kiên