Bất cập trong thực thi Luật Quảng cáo
Tin tức - Ngày đăng : 08:49, 29/06/2022
Theo Bộ VHTT&DL, hàng năm số lượng DN quảng cáo đều tăng trưởng. Nếu năm 2013, cả nước mới chỉ có trên 5.500 DN quảng cáo, đến năm 2019 đã có trên 13.000 DN. Trong bối cảnh đó, Luật Quảng cáo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng quảng cáo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, sau một thập kỷ với nhiều đổi thay từ thực tiễn, Luật Quảng cáo nảy sinh nhiều bất cập như sự sụt giảm mạnh doanh thu của các phương tiện quảng cáo truyền thống như truyền hình, báo chí, quảng cáo ngoài trời do các quy định của pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, nhất là sự tác động của dịch Covid-19 kéo dài.
Sự xuất hiện của các loại hình quảng cáo mới trên internet, mạng xã hội thông qua người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng đang là xu hướng quảng cáo mới, có hiệu quả cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều bất cập trong việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Vẫn còn một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng về thủ tục hành chính đối với một số sản phẩm quảng cáo gây khó khăn trong việc thực hiện. Nhiều DN vì lợi ích kinh tế mà bỏ quên truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục.
Đơn cử, thời gian qua, dư luận nhiều lần lên tiếng, bức xúc về việc nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ sai sự thật; chủ một nhãn hiệu thuê một nhóm người cởi trần quảng cáo trên tàu điện Cát Linh – Hà Đông; vụ việc xe buýt dán quảng cáo website cá độ của Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy chia sẻ: Hiện nay, một số tổ chức, cá nhân còn nhận thức đầy đủ, thống nhất và trách nhiệm về hoạt động quảng cáo cũng như về mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và giữ gìn văn hóa trong quảng cáo. Nhiều DN vì lợi ích kinh tế mà bỏ quên truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục. Những vấn đề thực tiễn cho thấy Luật Quảng cáo hiện hành và các văn bản quy định chi tiết đã bộc lộ những bất cập, chưa theo kịp thực tiễn mới.
Sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tiễn
Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, hiện quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội chiếm tới 70% thị phần quảng cáo, nhưng phần lớn doanh số rơi vào tay các nền tảng xuyên biên giới của nước ngoài, nhưng chúng ta vẫn chưa có biện pháp quản lý hiệu quả. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn chồng chéo, nhiều lực lượng tham gia nhưng thiếu chế tài đối với đối tượng vi phạm cho nên kết quả xử lý còn hạn chế, tình trạng quảng cáo không phép, sai phép còn phổ biến ở nhiều địa phương.
Để giải quyết những bất cập hiện tại của Luật Quảng cáo, Bộ VHTT&DL đề xuất một số chính sách cần sửa đổi, bổ sung như: Các quy định về tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam; quy định đối với hoạt động đầu tư, hợp tác của DN quảng cáo nước ngoài; quy định về cơ chế hoạt động của hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo, hiệu lực pháp lý của kết quả thẩm định, yêu cầu của việc xây dựng và thực thi quy tắc ứng xử nghề nghiệp; quy định về thời lượng quảng cáo cho phép trên chương trình phim truyện; quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải; một số nội dung về thủ tục hành chính.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ đề nghị các Sở, ngành phải tích cực tham mưu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm quản lý về quảng cáo; tăng cường đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước về quảng cáo, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện hơn nữa cho các DN. Đồng thời, Bộ VHTT&DL đang kiến nghị xây dựng một quy chế phối hợp liên ngành làm căn cứ cho các địa phương xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành trong quản lý Nhà nước về quảng cáo trong thời gian tới.
Từ năm 2013 đến nay, Thanh tra Bộ VHTT&DL đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo trong lĩnh vực y tế với số tiền 1 tỷ 338 triệu đồng; Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế từ năm 2013 đến nay đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 628 hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo với số tiền hơn 17 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường - Bộ Công Thương phát hiện 754 vụ việc vi phạm Luật Quảng cáo, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,7 tỷ đồng.