Tiềm năng lớn trong hợp tác phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc
Sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Việt Nam từ ngày 22-24/6 đã có 17 văn kiện hợp tác song phương giữa hai nước được ký kết, trong đó công nghiệp văn hóa được xác định là lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa hai quốc gia.
Tháng 12/2022 Việt Nam và Hàn Quốc đã kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992-22/12/2022), cũng trong dịp này quan hệ giữa hai nước đã chính thức được nâng cấp lên “Đối tác chiến lược toàn diện” mở ra thời kỳ phát triển mới cho quan hệ Việt-Hàn.
Công nghiệp văn hóa là ưu tiên trong hợp tác giữa Việt Nam-Hàn Quốc
Sau hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cùng các quan chức cấp cao và phái đoàn 205 doanh nghiệp Hàn Quốc, 17 văn kiện hợp tác song phương giữa hai nước được ký kết, trong đó ở nội dung văn kiện thứ nhất “Chương trình hành động về việc triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc” đã nêu rõ các lĩnh vực như: Hợp tác lao động, y tế và giáo dục; Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân; Hợp tác khu vực và quốc tế.
Trong những năm qua, hai nước đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa tại mỗi nước và đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần phát triển quan hệ hợp tác và tình hữu nghị giữa Nhân dân hai nước. Năm 2022, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Bộ VH,TT&DL Việt Nam và Bộ VH,TT&DL Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa như: Ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hội An năm 2022, Lễ hội Văn hóa Hàn Quốc tại Quảng Ninh, Lễ hội Đèn lồng Việt - Hàn tại Hà Nội, tuần phim… Đặc biệt vào tháng 10/2022, Bộ VH,TT&DL Việt Nam phối hợp với Bộ VH,TT&DL Hàn Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức thành công Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc ở Thủ đô Seoul và tỉnh Gwangju với các hoạt động văn hóa đặc sắc, đã thu hút được sự quan tâm của người dân Hàn Quốc tới tham quan khu trưng bày văn hóa của Việt Nam, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thời trang áo dài (triển lãm ảnh các di sản văn hóa và các địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam, trải nghiệm các trò chơi dân gian, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam, triển lãm sách) và trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm văn hoá - du lịch như thử áo dài truyền thống, vẽ trên nón lá, làm tranh Đông Hồ… Trong 3 ngày tổ chức, Lễ hội thu hút khoảng 200.000 lượt khách và có gần 100 tin bài đăng trên truyền hình, báo chí của Hàn Quốc và Việt Nam.
Một quan chức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cho biết: Hàn Quốc sẽ có những hỗ trợ cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo trong âm nhạc và điện ảnh. Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực để xây dựng Chiến lược Công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lựa chọn công nghiệp văn hóa là lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa hai quốc gia không chỉ cho thấy chiều sâu trong mối quan hệ giữa hai nước, đó còn là sự vận dụng một cách linh hoạt những quan điểm về ngoại giao mà Đảng và Nhà nước ta đã hoạch định: "Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại".
Những bài học quý trong phát triển công nghiệp văn hóa từ xứ Hàn
Là quốc gia xây dựng nền công nghiệp hiện đại từ nông nghiệp, xuất phát điểm xây dựng nền công nghiệp văn hóa có nhiều tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, Hàn Quốc đã có những bước tiến rất xa về công nghiệp văn hóa, không chỉ mang lại nguồn thu khổng lồ mà lĩnh vực này còn góp phần quảng bá rất hiệu quả về hình ảnh, đất nước con người xứ Hàn đến bạn bè quốc tế.
Những trào lưu điện ảnh, âm nhạc, ẩm thưc, thời trang, truyện tranh,… xuất phát từ quốc gia này đang có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống, tâm lý người nghe, người xem ở các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh việc thu về những lợi ích kinh tế đáng kể, các sản phẩm văn hóa còn góp phần quảng bá, thậm chí là khuếch chương văn hóa dân tộc của xứ Hàn.
Từ cuối thế kỷ XX, rất nhiều quốc gia phát triển đã nhận thức rõ, các tài nguyên dưới lòng đất, dưới biển, trên rừng có thể bị cạn kiệt, nhưng riêng văn hóa (tài sản sáng tạo từ trí tuệ, bàn tay con người và lịch sử, nét đặc trưng văn hóa dân tộc, vùng miền của mỗi quốc gia) sẽ là nguồn của cải vô tận nếu biết khai thác, sử dụng, phát huy giá trị của nó. Dưới góc độ kinh tế, các sản phẩm của công nghiệp văn hóa có thể làm giàu cho một đất nước không thua kém bất cứ một ngành công nghiệp nào. Không chỉ vậy, nó còn là nhân tố gắn kết con người, tăng cường hợp tác, trao đổi, là quyền lực mềm giúp bảo vệ bờ cõi văn hóa quốc gia.
Đối với Hàn Quốc, có thể nói quốc gia này đang có ngành công nghiệp giải trí phát triển bậc nhất châu Á và là mắt xích quan trọng để thúc đẩy kinh tế, văn hóa, thời trang, du lịch.
Theo báo chí Hàn Quốc, năm 2023, Chính phủ Hàn Quốc chi khoảng 790 tỷ Won (tương đương 622,5 triệu USD) để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ cũng như các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghiệp nội dung trong năm 2023 nhằm tăng xuất khẩu nội dung văn hóa Hàn Quốc. Đây là khoản hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay của chính phủ Hàn Quốc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trước đó, năm 2022, Bộ Văn hóa Hàn Quốc đã chi 526,8 tỷ Won để hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất nội dung.
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu các nội dung văn hóa của Hàn Quốc đạt mức cao nhất từ trước đến nay vào năm 2021 là 12,4 tỷ USD. Kết quả này là nhờ sự bùng nổ trên toàn cầu của văn hóa đại chúng Hàn Quốc.
Theo phân tích của Bộ Văn hóa Hàn Quốc, kết quả này vượt xa các lĩnh vực kinh tế trước kia vốn được xem là mũi nhọn như thiết bị gia dụng (8,67 tỷ USD), pin thứ cấp (8,67 tỷ USD), xe điện (6,99 tỷ USD) và bảng hiển thị (3,6 tỷ USD). Chính nền công nghiệp văn hóa (CNVH) giải trí đã đưa Hàn Quốc từ quốc gia nghèo đói bậc nhất châu Á những năm 1960 trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 châu Á, thứ 10 thế giới về GDP năm 2020.
Từ đó thấy rằng, nếu được nhìn nhận đúng với vị trí, tầm quan trọng, được đầu tư một cách bài bản, có hệ thống thì ngành công nghiệp văn hóa sẽ không chỉ mang lại những giá trị khổng lồ về kinh tế mà còn là con đường để một quốc gia bước ra vũ đài thế giới với vị thế lớn hơn. Những bài học từ quá trình xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc sẽ rất bổ ích cho Việt Nam có thể học hỏi, chọn lọc thông qua những hoạt động hợp tác giữa hai nước, nếu được áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với điều kiện của nước ta chắc chắn sẽ giúp cho ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam rút ngắn được chặng đường để đi đến thành công, hoàn thành các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra trong nỗ lực xây dựng Chiến lược Công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.