Du lịch bốn phương

Du lịch di sản đô thị với nét đẹp kiến trúc Pháp tại Hải Phòng

Ngân Hà (t/h) 11:34 07/07/2023

Ở Hải Phòng không chỉ có "food tour" rầm rộ như thời gian gần đây, thành phố này còn có nguồn tài nguyên di sản kiến trúc Pháp rất đầy đặn. Hơn 100 năm tồn tại, những công trình kiến trúc Pháp ở Hải Phòng trở thành di sản độc đáo với vẻ đẹp cổ điển.

dau-an-kien-truc-phap-tai-hai-phong-1.jpg
Tòa Đốc lý, hiện là trụ sở UBND thành phố Hải Phòng (Ảnh: Lê Minh)

Hải Phòng là một trong những đô thị lớn trên cả nước, thành phố cảng có lịch sử lâu đời và sự phát triển mạnh trong những năm gần đây, vốn hội tụ nhiều yếu tố để có được cho mình những dấu ấn, nét đẹp đô thị riêng biệt. Trong đó, có giá trị văn hóa, lịch sử và mang tính di sản nhất phải kể đến các công trình với lối kiến trúc Pháp cổ.

Kiến trúc Hải Phòng là sự pha trộn hài hòa giữa 2 nền văn hóa Á - Âu. Sự pha trộn này tạo ra cho thành phố một nét đẹp đô thị riêng biệt, vừa thanh lịch, vừa mạnh mẽ. Đến nay Hải Phòng còn giữ được nhiều khu phố với kiến trúc khá nguyên vẹn từ thời Pháp thuộc. Như ở quận Hồng Bàng, nhiều phố với những biệt thự do người Pháp xây dựng vẫn được giữ nguyên về tổng thể, tập trung các cơ quan hành chính nhà nước.

Với vai trò là thành phố quan trọng bậc nhất Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, Hải Phòng đã được người Pháp quy hoạch và phát triển đô thị, ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20. Ngoài việc phục vụ đời sống con người trong quá trình lao động, sinh hoạt thì những nét kiến trúc in đậm dấu ấn Pháp cổ  còn gắn liền với đời sống văn hóa và là những chứng nhân ghi nhận lịch sử phát triển của xã hội, của thành phố qua nhiều thời kỳ.

Những năm tháng sau chiến tranh, sự phát triển đô thị của Hải Phòng là không quá nhanh và cấp tiến như ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng (những nơi có giai đoạn mà tốc độ xây dựng chóng mặt và trào lưu dựng cao ốc phát triển mạnh) nên Hải Phòng ngày nay vẫn giữ được nhiều nét xưa cũ. Nơi đây, dấu ấn quy hoạch, kiến trúc thuộc địa vẫn còn hiện diện khá rõ nét qua những không gian đô thị, những công trình kiến trúc Pháp kiểu cổ điển còn giữ được khá nguyên kiến trúc gốc, gợi lên những nét u hoài, thanh tao và góp phần tô điểm cho vẻ trầm lắng, yên bình và thu hút sự quan tâm, muốn tìm hiểu, khám phá của nhiều người.

Tại Hội thảo khoa học "Phát huy giá trị di sản đô thị thời Pháp thuộc gắn với du lịch văn hóa ở Hải Phòng" vừa qua, PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, đánh giá rất cao khối tài nguyên di sản kiến trúc đô thị Hải Phòng. Theo bà, những di sản kiến trúc Pháp ở thành phố này, hay nói chung là di sản đô thị ở Hải Phòng, rất may mắn không bị xáo trộn mất mát gì nhiều. Từ đó, có thể khai thác để sử dụng cho du lịch di sản. "Di sản đô thị với kiến trúc Pháp ở đây chính là nồi cơm du lịch di sản", PGS-TS Thục nói.

TS-KTS Nguyễn Quốc Tuân, Trường ĐH Phương Đông, cho biết khu phố Pháp của Hải Phòng có niên đại hình thành sớm (1874 - 1888), có thể nói là đầu tiên ở miền Bắc VN, cùng thời với khu phố Pháp của Hà Nội. Căn cứ theo các bản đồ thì khu phố Pháp hiện nay chính là khu trung tâm lịch sử đô thị duy nhất và xuyên suốt các thời kỳ của TP.Hải Phòng.

Mặt khác, do toàn bộ các công trình kiến trúc xây dựng thời Pháp thuộc ở đây đều được dùng làm trụ sở công quyền của thành phố từ năm 1955 đến nay, nên khu phố Pháp Hải Phòng còn mang một giá trị lớn nữa. Đó là tính toàn vẹn của một di sản đô thị, vốn rất khó giữ gìn ở các thành phố lớn trong thời gian hơn 100 năm qua.

hp-6-1661420678.jpg

Nổi tiếng nhất trong những công trình mang dấu ấn Pháp cổ tại Hải Phòng là Nhà hát thành phố, niềm tự hào của tất cả người dân nơi đây. Nhà hát thành phố Hải Phòng là một trong ba nhà hát lớn được người Pháp để lại ở Việt Nam, do kiến trúc sư Pháp thiết kế rất công phu theo nguyên mẫu nhà hát Pari, được xây dựng năm 1904, hoàn thành năm 1912 với vẻ ngoài thanh lịch, thẩm mỹ và nội thất nguy nga, tráng lệ, mang đậm phong cách châu Âu. Đây là công trình trung tâm, là điểm nhấn đô thị và thường được dùng để tổ chức các sự kiện lớn của thành phố.

hp-4-1661420676.jpg

Gần Nhà hát lớn là đường Trần Hưng Đạo, nơi đây có nhà thương tư Fesquet của một bác sĩ người pháp. Tòa nhà này hiện là trụ sở Thành đoàn Hải Phòng.

hp-3-1661420675.jpg

Cũng trên đường Trần Hưng Đạo có Công viên Kim Đồng. Ở giữa công viên này là một khu nhà nhiều mái được xây từ năm 1942, nay là thư viện quận Hồng Bàng.

hp-8-1661420679.jpg

Theo đánh giá của ông Phạm Tuệ, một nhà sưu tập nhiều hình ảnh về thành phố Hải Phòng, trong những phố Tây mà người Pháp xây dựng, phố Điện Biên Phủ (tên thời Pháp là đại lộ Paul Bert) đẹp nhất. Trên đại lộ Paul Bert này còn có Ngân hàng Pháp - Hoa xây năm 1911, nay là Bảo tàng Hải Phòng; Phòng Thương mại Thành phố, tòa nhà được xây dựng năm 1895 với điểm nhấn là tháp có 3 đồng hồ, nay chính là trụ sở Sở Văn hoá - Thể thao hay "Nhà băng Năm Sao" nay là Trụ sở của ngân hàng Viettinbank.

hp-9-1661420680.jpg

Cách vườn hoa Kim Đồng khoảng 1 km là ga Hải Phòng, trên đường Lương Khánh Thiện. Ga Hải Phòng được xây dựng vào khoảng năm 1902 và hiện vẫn là một trong những ga tàu hỏa to và đẹp nhất miền Bắc.

hp-10-1661420680-2.jpg

Bưu điện trung tâm TP Hải Phòng được xây dựng vào năm 1905. Ngày nay, công trình này thu hút nhiều người đến chụp ảnh kỷ niệm.

hp-14-1661420681.jpg

Trụ sở UBND TP Hải Phòng, trước đây là Tòa đốc lý, một trong những công trình đầu tiên người Pháp xây ở Hải Phòng.

hp-15-1661420682.jpg

Một quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo, quận Hồng Bàng, cách ga Hải Phòng 1 km, vừa được cải tạo từ căn biệt thự kiến trúc Pháp, thu hút nhiều người đến tham quan./.

Ngân Hà (t/h)