Du lịch bốn phương

Tăng tốc thực hiện Nghị quyết số 82: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngân Hà (t/h) 11:48 06/07/2023

"Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn." - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định.

Ngày 5/7 tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2023).

anh-11-2.jpg
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: ĐCSVN.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Theo Thứ trưởng, ngành Du lịch đã trải qua chặng đường 63 năm xây dựng và trưởng thành nhiều khó khăn nhưng cũng gặt hái được nhiều thành quả, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng sự góp của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và nhân dân, Du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

144597f74289d86cf1bcafe5e0.jpg
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18.5.2023 của Chính phủ và Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam - Ảnh: Báo Văn hoá.

Năm 1990, chúng ta đã đón và phục vụ 250.000 lượt khách du lịch quốc tế thì đến năm 2019 đã đón 18 triệu lượt khách, tăng gấp 72 lần trong 29 năm. Khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh liên tục từ 1,0 triệu lượt năm 1990 đến 2019 đạt con số 85 triệu lượt. Sự tăng trưởng không ngừng về khách du lịch đã thúc đẩy mở rộng quy mô hoạt động của Du lịch Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (2015: 6,3%; 2016: 6,9%; 2017: 7,9%; 2018: 8,3%; 2019: 9,2%).

Thứ trưởng cho rằng, năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, trở thành đại dịch của thế giới với mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế nhạy cảm nhất với bệnh dịch. Sau 2 năm trải qua đại dịch, ngành du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều kế hoạch của ngành Du lịch Việt Nam đặt ra hầu như không thực hiện được, các chỉ tiêu của ngành đều giảm mạnh. Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải đóng cửa, dừng hoạt động, cạn kiệt nguồn lực về tài chính...

Tháng 11.2021 chúng ta đã tiến hành thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15.3.2022. Đây chính là dấu ấn và bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi và sôi động trở lại của ngành Du lịch Việt Nam. Với việc đón tiếp và phục vụ gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế, 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 495.000 tỉ đồng trong năm 2022. 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế và 64 triệu lượt khách nội địa, chứng minh cho niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. “Cùng đó, ngành Du lịch đã và đang từng bước khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, khẳng định hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Ngành du lịch vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng, chưa thực sự đặc trưng, đặc sắc, độc đáo và chưa phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vốn có. Các dịch vụ như lưu trú, thương mại, vận tải... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong nước và quốc tế còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm…

Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận thức sâu sắc đây là cơ hội to lớn cho ngành du lịch và cũng là trách nhiệm nặng nề của các doanh nghiệp du lịch cả nước. Với tinh thần đó, Hiệp hội đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động thể hiện sự thống nhất tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch là hội viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam; sự cam kết của cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong thực thi đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ và Quốc hội về phát triển du lịch…; kịp thời nắm bắt cơ hội do chính sách visa thông thoáng hơn vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, làm đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam...

Hiệp hội đã đưa ra 8 mục tiêu cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, cấu trúc lại doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh; Phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với giai đoạn mới; Đa dạng hóa thị trường du lịch; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch; Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; Tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch…

Trong khuôn khổ hội nghị, các cơ quan quản lý, hiệp hội du lịch các địa phương, đại diện các doanh nghiệp du lịch đã thảo luận phương hướng và kế hoạch cụ thể tăng cường hoạt động, thu hút khách du lịch trong 6 tháng cuối năm theo tinh thần của Nghị quyết 82/NQ-CP./.

Ngân Hà (t/h)