Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Thịnh Thôn (huyện Ba Vì)

Sơn Dương (t/h) 04/07/2023 15:18

Đền Thịnh Thôn  thuộc địa phận xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội.

328971128-910601153405825-9136153798657438914-n.jpg
Di tích  đền Thịnh Thôn

Ở thôn Thịnh Bài, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, có một ngôi đền cổ, đẹp mang tên làng: đền Thịnh Thôn. Đền được xây dựng ở phía nam làng Thịnh, nhìn ra cánh đồng làng rộng lớn, tương truyền nơi đây xưa kia là một cửa sông.

Nhân dân địa phương kể lại rằng: đền thờ bà Man Thiện, là người đã sinh ra hai vị nữ anh hùng Trưng Nữ vương, nên được tôn xưng là Man Hoàng hậu. Bà Man Thiện còn là người tập hợp, liên kết, quy tụ lực lượng khởi nghĩa, là người chỉ huy tài ba trong cuộc chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng là một trong những trang sử vẻ vang trong lịch sử nước nhà.

Cũng theo truyền thuyết trên và thần phả năm Hồng Phúc nguyên niên (1572): ở nhánh sông làng Thịnh Thôn xác bà Man Thiện sau khi tử trận đã trôi về, nhân dân vớt lên rồi đem chôn tại cánh đồng, từ đó dân làng đã lập đền thờ ghi nhớ công lao bà.

Trải qua bao biến thiên lịch sử, hiện nay ngôi đền đã có nhiều thay đổi. Ngày nay kiến trúc chính của đền Thịnh Thôn là kiểu chữ “đinh”, bao gồm một toà Đại bái và Hậu cung. Phía trước qua một khoảng sân là một toà Đại bái ba gian. Toà Đại bái này được dân làng xây dựng cách vài trăm nét, sau mới được chuyển đến bổ sung cho quần thể kiến trúc. Đại bái chia làm ba gian, kết cấu theo kiểu “kèo kẻ giá chiêng”, trên câu đối ghi dòng chữ Hán “Tự Đức nhị thập ngũ niên” (1872), được chạm trổ giản dị: đầu dư chạm khắc kiểu đốt trúc, các kẻ bẩy, con rường... với hoạ tiết lá lật mềm mại. Đặc biệt, công trình này chỉ xây bít đốc, không xây tường hậu nên nó đảm nhiệm chức năng gần như một cổng tam quan vào đền chính.

Đền chính được xây dựng theo kiểu chữ “đinh”. Phần Tiền tế bao gồm ba gian, có bốn đầu đao cong vút. Trên bờ nóc, bờ dải trang trí các con giống (kìm, nghê, rắn...) được đắp công phu. Phần kiến trúc thiên về bền chắc bào trơn đóng bén.

Qua phần Tiền tế là phần Hậu cung, hạng mục công trình kiến trúc này từ xưa đến nay vẫn giữ nguyên vị trí và được nối với phần Tiền tế theo kiểu chuôi vồ. Trên cửa Hậu cung có ba chữ lớn: “Tối linh từ” (đền rất thiêng) dưới bức đại tự có hai bức cốn chạm nổi chim phượng đăng đối chầu vào hậu cung. Trong Hậu cung còn có long ngai, bài vị sơn son thiếp vàng.

Đền Thịnh Thôn đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)