Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Biến chất thải rắn thành những bức tranh nghệ thuật

Hải Quỳnh 04/07/2023 10:47

Đến phố Hoàng Liên (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) lúc này, nhiều người bị "hớp hồn" bởi những bức tranh tường, phù điêu nổi có tính thẩm mỹ cao ở nhiều ngõ xóm. Điều đặc biệt, những tác phẩm nghệ thuật ấy được ghép từ… chất thải rắn - những phế liệu bỏ đi trong sinh hoạt hàng ngày của người dân.

z4482552549810_4eca1003a780e3b6066bb4015e136016.jpg
Bức tranh tường cỡ lớn được tạo nên từ rác thải rắn vừa mới hoàn thành để kỷ niệm 10 năm thành lập phường Liên Mạc (12/2023).

Không riêng gì du khách trong và ngoài nước, ngay cả chúng tôi, bấy lâu chỉ biết đến “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” dài gần 4km, diện tích khoảng 7.000 m2 chạy dọc theo các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng đã lập kỷ lục Guinness thế giới. Đi nhiều nơi, qua nhiều vùng quê của Thủ đô, ta dễ thấy nhiều đoạn đường bích họa, nhưng để thấy “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” thứ hai rất hiếm. Trong một lần tình cờ, dừng chân ở phường Liên Mạc, chúng tôi bị giữ lại bởi những bức tranh tường, phù điêu nổi được đắp bằng xi măng, ghép bằng gốm sứ, thủy tinh đầy sống động, bắt mắt.

z4485617401930_68c2edb8fb0375f1c771f9e1c8705338.jpg
z4485617333549_2b777b687ad407ef0b93271392296a1a.jpg
Những bức phù điêu tại phường Liên Mạc mang vẻ đẹp cổ điển tính nghệ thuật cao.

“Đẹp không các chú? Các tranh tường ở đây đều làm từ đồ gốm sứ, thủy tinh người ta vứt đi hoặc không sử dụng đến. Cả làng tôi gom vật liệu, rồi cùng ghép thành những tác phẩm hoàn chỉnh này đấy” - người phụ nữ ở phố Hoàng Liên chạc tuổi lục tuần, để lộ đôi mắt sau chiếc khẩu trang, đầu đội nón lá đi ngang qua nói về những bức tranh tường mà chúng tôi đang chiêm ngưỡng.

Sau một vòng chiêm ngưỡng hàng loạt “tác phẩm”, hỏi thăm người dân địa phương, chúng tôi được “mách” gặp người khởi xướng làm nên những bức tranh tường, phù điêu nổi bằng gốm sứ tại phường Liên Mạc. Không ngờ, chủ nhiệm mô hình tranh ghép từ gốm sứ, thủy tinh tái chế và phế liệu xây dựng tại đây lại là người quen - họa sĩ Ngô Quỳnh Liên, người đã tạo ra “Thư viện yêu thương” mà Tạp chí Người Hà Nội đã từng có bài viết. Nữ họa sĩ 7X chia sẻ, mô hình tranh ghép từ gốm sứ, thủy tinh tái chế và phế liệu xây dựng tại Liên Mạc được thực hiện từ năm 2020, chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 2020 đến 2025, những bức tường từ cổng làng Liên Mạc ra tới đình và chùa sẽ được khoác áo mới bởi những tác phẩm tranh gốm sứ.

z4482540759388_36edf3cb1c5c7428a77475fabc2bcd5d.jpg
Họa sĩ Quỳnh Liên với bản vẽ mô hình cổng làng Liên Mạc xưa.

Tham gia mô hình là những người con của quê hương và người dân trong khu phố là chủ thể. Phó chủ nhiệm mô hình Nguyễn Thị Hiên chia sẻ, gia đình chị nhiều đời làm điêu khắc, hội họa, hàng ngày thấy những vật dụng cũ, hỏng bằng gốm sứ, thủy tinh và nhiều vật liệu khác mà người dân mang bỏ ra bãi rác vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Ý tưởng tái chế chất thải rắn ấy từ đó hình thành, rồi tiến tới triển khai rộng rãi tranh tường bằng gốm sứ, thủy tinh bỏ đi đã góp phần giảm bớt rác thải rắn, vừa xây dựng một không gian mới mẻ, sạch sẽ và tạo một nét riêng cho người dân phường Liên Mạc.

z4485662500304_e2b6adbe105077c918d220b10ac5361f(1).jpg
Họa sĩ Quỳnh Liên tiếp nhóm PV của Tạp chí Người Hà Nội trong căn phòng làm việc của chị.

Những bức tranh tường, phù điêu nổi bằng gốm sứ tại phố Hoàng Liên, phường Liên Mạc ra đời nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, văn minh và đặc biệt nhằm gắn kết cộng đồng. Thực hiện làm tranh tường, phù điêu đắp nổi cũng là cách người dân nơi này ngăn chặn tình trạng dán quảng cáo gây phản cảm trên các mảng tường nhà dân, đồng thời truyền cảm hứng cảm thụ và yêu nghệ thuật tới dân làng, đặc biệt lớp trẻ. “Mô hình cũng mở ra một định hướng công việc mới về làm tranh ghép cho một số lao động nông thôn, người dân yêu nghệ thuật hoặc xa hơn tạo điểm nhấn để mảnh đất này thành điểm đến du lịch”, họa sĩ Ngô Quỳnh Liên chia sẻ.

z4482549175441_47695faa6152cfd8372f9ef134bad4f8.jpg
Chị Nguyễn Thị Hiên với công đoạn hoàn thiện một phần bức tranh tường bằng chất thải rắn.

Để hoàn thiện một bức tranh ghép bằng gốm sứ, thủy tinh trên tường, có 9 công đoạn: khảo sát hiện trạng mặt bằng; lắng nghe ý tưởng và mong muốn của chủ nhân bức tường; lên ý tưởng về bố cục, hình thức thể hiện; vẽ phác thảo trên giấy; làm sạch tường, đục nhám tạo độ bám chắc cho tranh; vẽ phác hình lên tường gắn tranh; lựa chọn vật liệu, màu sắc phù hợp với tổng thể bức tranh để chỉ định; gắn tranh và cuối cùng là hít mạch, hoàn thiện.

Khi nghe họa sĩ Quỳnh Liên và chị Nguyễn Thị Hiên nêu ý tưởng, bà con trong khu phố ủng hộ nhiệt tình. Theo hướng dẫn của chủ nhiệm dự án, những đồ vật cũ hỏng như bình hoa, chai lọ, gạch men vỡ được người dân tập trung vào một khu. Vẽ phác hình lên tường là họa sĩ Quỳnh Liên, trong khi chị Hiên và những người dân địa phương dùng các vật liệu (gốm, sứ, thủy tinh, gạch vỡ…) phù hợp để gắn hoàn thiện tạo thành những bức tranh, phù điều đắp nổi đầy sống động. Khi thấy những “đứa con tinh thần” khi chào đời vừa đẹp lại mang nhiều ý nghĩa, người dân địa phương tích cực đóng góp sức người, sức của làm nên nhiều “tác phẩm” mới đặc sắc hơn.

z4485617689810_8dd381ad6d2ad20328dcf319f8713872.jpg
Chị Nguyễn Thị Hiên đứng trước một tác phẩm mô tả cảnh sinh hoạt gia đình đã được hoàn thành.

Những bức tranh, phù điêu gốm sứ trên tường ở Liên Mạc đa dạng về chủ đề, có thể là phong cảnh làng quê Việt Nam, tranh cổ động về môi trường, hoa lá, trang trí đường diềm, hình tròn, vuông hoặc các các con vật gần gũi, thân thiện… Bằng những chất thải rắn bỏ đi, người dân ở Liên Mạc đã dùng bàn tay, khối óc của mình tạo thành những bức tranh tường đầy màu sắc, có thể đó là hình ảnh cây đa giếng nước, sân đình gắn với vùng nông thôn Bắc Bộ. Cũng có thể là bức tranh tường với hình ảnh người nông dân đang gặt lúa, các chú bộ đội xuống đồng gánh lúa giúp đỡ nhân dân…

Nhưng để thêm ý nghĩa và khẳng định nét riêng, trên tường rào và tường nhà của mỗi gia đình, các bức tranh được thực hiện theo ý gia chủ (chủ nhà đồng ý làm tranh tường, phù điêu trên tinh thần tự nguyện). Họ có thể chọn một hoặc vài kỷ niệm nào đó của gia đình để các các họa sĩ phác họa lên tường, như bữa cơm quây quần của gia đình, cha mẹ dạy dỗ con cái. Vì vậy, diện tích tranh tường bằng gốm sứ, thủy tinh phế liệu tại Liên Mạc cả ngàn mét vuông nhưng không có bức tranh nào lặp lại hoặc giống nhau. Mỗi bức tranh là một câu chuyện riêng gắn với chủ nhân hoặc của cộng đồng.

Để những bức tranh thêm phần sống động, ngoài rác thải rắn (gốm sứ, gạch men, chai lọ, phế thải vật liệu xây dựng) tồn đọng và tăng hàng ngày gây áp lực cho môi trường được người dân nhặt nhạnh, thu gom, họa sĩ Quỳnh Liên còn liên hệ với một số cơ sở gốm sứ tại Bát Tràng để mua những sản phẩm lỗi mang về phân loại, sau đó sử dụng gắn tranh tường, giúp nguồn vật liệu luôn sẵn có và phong phú.

z4485617555667_14ba63002a648c04687caf1778831217.jpg
Một bức tranh với chủ đề kêu gọi người dân phân loại rác thải.

Tháng 12/2023, Liên Mạc sẽ kỷ niệm tròn 10 năm thành lập phường. Để mừng sự kiện này, người dân địa phương đang bắt tay thực hiện 30m tranh tường bằng gốm sứ, đồ thủy tinh, dự kiến sau hai tháng sẽ hoàn thành. “Chỉ một loáng, khi phác họa hoàn thành, các cô, các bác và rất nhiều thành viên trong làng đã hồ hởi tập trung làm tranh. Người thì miết mạch, người cọ sạch mảng tranh đã gắn, người thì lựa màu cứ như ngày hội. Người cao tuổi hay các em nhỏ, mỗi người một tay, bất kể nắng mưa đã góp sức, góp của để cùng nhau hoàn thiện bức tranh gốm sứ ghép trên tường. Thật biết ơn và trân trọng, yêu thương mỗi phút giây này”, họa sĩ Quỳnh Liên chia sẻ.

Nếu được đặt tên cho các con đường có tranh tường, phù điêu đắp nổi làm từ gốm sứ, thủy tinh ở Liên Mạc, những người khởi xướng sẽ đặt tên là “con đường tình yêu”. Tình yêu ở đây là tình yêu với quê hương, với làng xóm, phố phường; tình yêu với lao động và những người dân chất phác, mộc mạc ở vùng ven Hà Nội.

z4482540374182_011fbe0c8988753b21539ee348ffe587.jpg
Nụ cười của tình yêu đối với lao động, với quê hương và với những người dân phường Liên Mạc.

Không thể so sánh quy mô, tầm vóc giữa “con đường tình yêu” ở Liên Mạc với “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”. Nhưng điểm chung của hai con đường này đều làm từ gốm sứ nhằm tạo dựng một Hà Nội ngày một sạch đẹp. Từ những “con đường” ấy, ta nhận ra người dân Thủ đô chẳng những bao đời nay hào hoa thanh lịch, ngày càng văn minh mà còn đầy tính sáng tạo để thay đổi bộ mặt đô thị, làng quê.

Đến Liên Mạc giờ đây, khách phương xa như lạc giữa một không gian trưng bày nghệ thuật khổng lồ. Những bức tường rêu mốc, chằng chịt tờ rơi rao vặt mất mỹ quan chỉ còn là quá khứ tại mảnh đất này. Hơn thế, những bức tranh, phù điêu nổi bằng gốm sứ, vật liệu bỏ đi giúp mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thêm yêu nét văn hóa truyền thống, yêu quê hương, đất nước nhiều hơn./.

Một số hình ảnh của người dân phường Liên Mạc cùng chung tay "khoác áo mới" cho quê hương:

z4482544831893_38d428f8fb7e3fcb2090a6e56c23c2e2.jpg
z4482545939544_b486ecd51707d5c4e3d458f4fd627b4e.jpg
z4482549398348_e9d179f0b76e328f8662ae7a02ca1f73.jpg
z4482539982305_9554fc7e50e2c04eaa90dcbcb4f72597.jpg
z4482548411118_a9442b5b356368726ff74b6130dd7587.jpg
z4482534103755_79909d54ce644b5eee6899598e37e63b.jpg

Hải Quỳnh