“Chúng tôi chỉ cần có nước sạch liên tục, đủ nhu cầu sinh hoạt”
Đó là chia sẻ của chị Tống Thị Hoa (phường Phú Lãm, quận Hà Đông) khi hay tin Thành phố Hà Nội dự kiến điều chỉnh giá nước sạch từ ngày 1/7/2023 và từ đầu năm 2024.
Theo khảo sát của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, khi điều chỉnh giá nước sinh hoạt từ 1/7/2023 thì tiền nước người dân Hà Nội phải chi trả 10m3 đầu tiên là 75.000 đồng/hộ, vẫn thấp hơn nhiều tỉnh, thành khác tại nước ta (người dân Điện Biên phải chi trả 10m3 đầu tiên: 80.000 đồng/hộ, Quảng Ninh: 81.000 đồng/hộ; Bình Dương: 101.500 đồng/hộ)... Đồng thời, giá tiêu thụ nước sạch bình quân khu vực đô thị của Hà Nội vẫn thấp hơn từ 10 đến 45% so với Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Là người tỉnh lẻ đến Thủ đô làm việc hơn 10 năm nay, chị Hoa hiện là nhân viên bán hàng của một công ty chuyên về phụ tùng ô tô trên địa bàn Hà Nội, chồng chị làm shipper. Vợ chồng chị hiện có con trai nhỏ gần 4 tuổi và thuê trọ tại Khu nhà ở xã hội thuộc phường Phú Lãm hơn 2 năm nay. “Thông qua các trang báo điện tử, tôi hay tin Thành phố Hà Nội dự kiến điều chỉnh giá nước sạch. Tự tìm hiểu, tôi được biết sau 10 năm Hà Nội mới điều chỉnh giá nước”, chị Hoa chia sẻ.
Tạp chí Người Hà Nội đã đưa tin, Sở Tài chính vừa có tờ trình gửi UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thủ đô. Cụ thể, từ ngày 1/7/2023, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 tăng lên 7.500 đồng/m3 và 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; 10 - 20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 (tháng 7/2023) và lên 9.900 đồng/m3 (năm 2024); 20 - 30m3 (hộ/tháng) từ 8.669 đồng/m3 lần lượt lên mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3. Năm 2024, mức giá cao nhất với nước sinh hoạt là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3 (hộ/tháng).
Theo chị Hoa, tuy nhà thuê nhưng gia đình nhà chủ không tính phí nước theo “luật riêng” mà chị Hoa đóng phí nước 5.973 đồng/10m3/tháng. Nước sinh hoạt nơi chị Hoa đang sử dụng được cung cấp từ Nhà máy nước sông Đà, ít khi xảy ra tình trạng mất nước. Hoặc có tạm dừng cấp nước, Ban quản lý tòa nhà và Ban quản trị tòa nhà đều gửi thông báo, lý do đường ống dẫn nước của đơn vị cung cấp gặp sự cố. Tuy nhiên, thời gian mất nước do sự cố không kéo dài, thường được đơn vị cung cấp xử lý nhanh, không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt của gia đình.
Về việc Hà Nội dự kiến điều chỉnh giá nước sạch từ ngày 1/7/2023, chị Hoa cho rằng mức tăng không đáng kể. Bình quân gia đình chị Hoa sử dụng 10m3 – 12m3 nước mỗi tháng vì con nhỏ đi nhà trẻ, vợ chồng đi làm từ sáng tới chiều tối mới về nhà. Gia đình chỉ dùng nước cho nấu ăn, tắm giặt…, còn nước uống hàng ngày chị Hoa sử dụng bình nước khoáng loại 20 lít. Tính trước thời điểm 1/7/2023, tùy theo mức dùng 10m3 hoặc 12m3/tháng, chị Hoa phải trả phí nước sạch từ 65.000 đến 90.000 đồng. Nếu từ ngày 1/7/2023, Hà Nội điều chỉnh giá nước lên 7.500 đồng (10-20 m3 hộ/tháng), cũng với mức sử dụng như trên, chị Hoa cho biết phải đóng thêm khoảng 17.000 – 28.000 đồng/tháng. Dù vậy, chị Hoa khẳng định mức đóng thêm khi giá nước tăng không phải vấn đề quá nặng nề hoặc ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.
Điều quan trọng hơn, chị Hoa chia sẻ: “Chúng tôi chỉ mong muốn khi Hà Nội điều chỉnh giá thì các đơn vị quản lý, cung cấp nước có trách nhiệm cung ứng nước sạch liên tục, đủ nhu cầu, chất lượng nước theo quy chuẩn. Nói cách khác, khi chúng tôi đã chi thêm một khoản tiền, dù không lớn thì ngành nước phải đảm bảo chất lượng dịch vụ như cam kết, tránh tình trạng mùa cao điểm mất nước hoặc nguồn nước cấp tới người dân không sạch sẽ như một số nơi”.
Tương tự, anh Nguyễn Ngọc Anh hiện đang sinh sống tại một chung cư cũ trên phố Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa) cho biết, giá nước sạch ở Hà Nội được giữ ổn định đã tròn 10 năm, trong khi chi phí sản xuất nước sạch ở các công ty, đơn vị cung cấp đã cao hơn nhiều, điều này không còn phù hợp với thực tiễn. Hà Nội điều chỉnh giá nước là cần thiết nhưng cần đảm bảo nguyên tắc hài hoà lợi ích giữa người dân với doanh nghiệp, cần tránh việc tăng giá một lúc dễ làm người dân bị… sốc.
“Tôi tin chắc các sở, ban, ngành liên quan của Hà Nội đã nghiên cứu rất kỹ, nhìn nhận và đánh giá tính khả thi, sự cần thiết thì mới tính phương án điều chỉnh giá nước. Gia đình tôi 4 người, tùy theo mùa mà sử dụng nước sinh hoạt trong khoảng 15 – 20m3/tháng. Nếu tới đây phải đóng thêm vài chục nghìn mỗi tháng khi giá nước được điều chỉnh, gia đình tôi cũng vui vẻ vì vợ chồng tôi thu nhập cũng tạm ổn định. Vấn đề cốt lõi là người dân chúng tôi được sử dụng nguồn nước chất lượng cao, đảm bảo an toàn hay không mà thôi”, anh Nguyễn Ngọc Anh bày tỏ.
Phạm Hoàng Anh, sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, đang ở trọ cùng hai bạn trên phố Đê La Thành (quận Đống Đa) hơi trầm tư khi hay tin giá nước được điều chỉnh. Bởi thời tiết nắng nóng như vừa qua, Hoàng Anh cho biết, bản thân cũng như các bạn phải làm mát bằng cách tắm giặt nhiều lần trong ngày. Quá trình sử dụng nước theo đó tăng lên, chi phí cho tiền nước sinh hoạt từ đây nhiều hơn. Tuy nhiên, theo Phạm Hoàng Anh, có thể việc phải đóng thêm tiền sẽ giúp anh cùng các bạn đang trong hoàn cảnh tương tự phải thay đổi “chiến lược” sử dụng nước sinh hoạt.
“Bọn em còn đi học nên việc ăn ở, các khoản đóng góp ở trường đều do gia đình ở quê hỗ trợ. Vài nghìn đồng với tụi em lúc này cũng quý, vì thế khi giá nước tăng, em với các bạn chắc phải sử dụng nước một cách hợp lý, trường hợp nóng quá không chịu được thì vào nhà tắm một lát chứ không “ngủ” trong đấy như trước được. Nhìn chung tụi em phải thực hành chống lãng phí nguồn nước sinh hoạt thôi”- Phạm Hoàng Anh vui vẻ chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá Việt Nam nêu quan điểm, nếu Hà Nội không tăng giá nước sạch thì sẽ không tạo được động lực thúc đẩy ngành sản xuất kinh doanh nước tăng phạm vi bao phủ nước sạch và khả năng cấp nước an toàn, không khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào cấp nước vì thu hồi vốn khó khăn.