Chủ động, sáng tạo, nghiêm túc trong việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU
Tinh thần của Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” đã lan toả đến từng thôn làng, ngõ xóm, từng người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô.
Sáng ngày 30/6, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng đoàn công tác đã kiểm tra việc thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU tại huyện Thanh Trì.
Tham gia đoàn công tác còn có các đồng chí: Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà; Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng; Lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố…
Chuyến công tác thực hiện theo đúng như phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Phong tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025” tổ chức vào sáng ngày 25/5 tại Bảo tàng Hà Nội vừa qua, rằng: “Ban Chỉ đạo Chương trình sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô”.
Thanh Trì là quê hương của Đô Hồ Đại vương Phạm Tu, Tiên triết Chu Văn An - Người thầy muôn đời, Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, danh nhân Ngô Thì Nhậm, đồng chí Đỗ Ngọc Du - Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đầu tiên; đồng chí Vương Thừa Vũ - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội… Thanh Trì còn là quê hương và hiện là nơi an nghỉ của Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười.
Báo cáo về Kết quả triển khai, thực hiện Chương trình 06-CTr/TU trên địa bàn huyện Thanh Trì, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, căn cứ vào tình hình thức tế của địa phương, Huyện uỷ đã chỉ đạo cụ thể hoá các nhóm chỉ tiêu Chương trình 06-CTr/TU thành 19 chỉ tiêu gắn với Chương trình 07-Ctr/HU của Huyện uỷ. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 7 chỉ tiêu vượt, 7 chỉ tiêu đạt, tiếp tục thực hiện đảm bảo tiến độ với 5 chỉ tiêu còn lạo, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, cách mạng được triển khai quyết liệt, đạt kết quả tích cực; tập trưng triển khai tổng số 62 dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử; được Thành phố gắn biển 02 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Chất lượng giáo dục đào tạo được duy trình và phát triển; cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy và học đang quan tâm đầu tư, 63/67 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 86,3%.
Các hoạt động văn hoá, văn nghệ , trang trí, truyên truyền đổi mới, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của Thành phố và huyện, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu đánh giá công tác triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình 06-CTr/TU tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phong ghi nhận những kết quả đáng khích lệ của huyện Thanh Trì trong nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình 06-CTr/TU những năm qua. Thông qua hoạt động thực địa, khảo sát của Đoàn công tác tại di tích chùa Hưng Long (Di tích Cách mạng kháng chiến, nơi thành lập chi bộ đầu tiên ngoại thành Hà Nội); thăm và khảo sát Điểm du lịch trải nghiệm Vạn An; thăm nhà văn hóa thôn 1 xã Yên Mỹ…; cùng với Báo cáo của huyện về kết quả đạt được thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, huyện Thanh Trì đã có sự chủ động, sáng tạo, bài bản, nghiêm túc trong việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời lưu ý trong quá trình triển khai Chương trình, huyện Thanh Trì cần quan tâm đến giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo vệ sinh môi trường; gắn kết việc thực hiện Chương trình với xây dựng phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch văn hoá cộng đồng, giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh tại địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, huyện Thanh Trì cần phát huy tốt hơn nữa giá trị di sản văn hoá phong phú trên địa bàn, bao gồm: 154 di tích lịch sử văn hoá và 45 lễ hội truyền thống. Chú trọng đầu tư xây dựng các thiết kế văn hoá thể thao để bảo tồn và lưu giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, lưu giữ "hồn quê" ở các vùng quê trên địa bàn huyện.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị, huyện Thanh Trì cần tận dụng tốt hơn nữa lợi thế vượt trội của một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, hiếu học lâu đời trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 06. Quan tâm đầu tư thu hút xây dựng hạ tầng về giáo dục, công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Đẩy mạnh số hoá các di tích một cách toàn diện cả về hiện vật, kiến trúc, nguyên vật liệu, bia đá, nghi lễ…
“Rút kinh nghiệm từ những địa phương đi trước, bên cạnh việc phát huy lợi thế, huyện Thành Trì cần khắc phục những hạn chế tổn tại hiên nay trên địa bàn huyện như: vấn đề hạ tầng giao thông, môi trường, quy hoạch phát triển, tốc độ đô thị hoá không theo quy hoạch làm gia tăng dân số cục bộ tại nhiều địa bàn; các trường đại học công và ngoài công, nhà hát còn ít... Huyện cần có sự phân tích, đánh giá thấu đáo, thận trọng để có những bước đi vững chắc, đúng lộ trình trở thành quận trong thời gian tới", đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” đã góp phần rất tích cực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô, góp phần rất quan trọng vào việc Hà Nội là địa phương đi đầu trong lĩnh vực phát triển văn hoá người Hà Nội nghìn năm văn hiến, hào hoa, thanh lịch, văn minh; bảo tồn, tôn tạo di tích, tiếp thu những tinh hoa của văn hoá nhân loại./.