Chuyển động Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tôi rất ấn tượng với kết quả Hà Nội đã làm được trong triển khai Dự án Vành đai 4

Trần Chung 25/06/2023 11:46

Đó là chia sẻ của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ tại Lễ khởi công Dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội diễn ra sáng nay 25/6 tại vị trí nút giao tuyến đường vành đai 4 với đường gom đại lộ Thăng Long (tại lý trình km28+900 đường vành đai 4, tương ứng với km12+600 đường gom Đại lộ Thăng Long), xã Song Phương, Hoài Đức - Hà Nội.

z4461468783114_4eca0aad4c4423204ee53603bf8d8b22.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bấm nút khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sáng 25/6.

Hà Nội giải phóng mặt bằng vượt kế hoạch

Đến dự buổi lễ khởi công dự án đường vành đai 4 tại điểm xã Song Phương còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo Bộ, Ban, ngành Trung ương, Thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Sỹ Thanh- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, dự án có chiều dài toàn tuyến 112,8 km đi qua 3 tỉnh, thành phố, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.341 ha, tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Điểm đầu của đường Vành đai 4 nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Mặt cắt ngang hoàn thiện rộng từ 90 đến 135m, trong đó, đoạn không có đường sắt song hành rộng 90m, đoạn thông thường có đường sắt song hành rộng 120m, đoạn đi ngoài đê sông Đáy rộng 135m. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trải dài 58,2km, hơn nửa chiều dài toàn tuyến, đi qua 7 quận huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông. Tổng diện tích đất phải thu hồi là 746,7 ha với 1.006 hộ phải bố trí tái định cư và hơn 15.580 ngôi mộ phải di dời. Khối lượng công việc toàn dự án nói chung và Hà Nội nói riêng rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương Trung ương, Thành phố về giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm này công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương đạt 80%, riêng Hà Nội vượt kế hoạch với 84%.

z4461473553137_d361eb6b1819b5d3413f5884f1564def.jpg
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Lễ khởi công Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Bằng tinh thần làm việc quyết liệt, trách nhiệm của các cơ quan thành phố, đa phần người Hà Nội đồng thuận, ủng hộ, nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù vẫn tự nguyện di chuyển mồ mả bàn giao mặt bằng. Công tác rà soát, kiểm đếm, lập hồ sơ quy chủ, đo đạc bồi thường dự án được thực hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch, giúp người dân hiểu, đồng thuận, chủ động bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Để đạt được thành quả đó, Chủ tịch UBND thành phố cho hay, Hà Nội đã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt tận dụng sự đồng thuận, ủng hộ lớn của nhân dân. Khi dự án triển khai, Hà Nội phân cấp, phân quyền cho các địa phương và phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm người đứng đầu. Sau đó, các địa phương của Hà Nội ký giao ước thi đua trong việc thực hiện dự án.

Phát biểu chỉ đạo và phát lệnh khởi công dự án, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận nỗ lực vượt bậc của Hà Nội trong việc triển khai dự án đường Vành đai 4. Thủ tướng cho biết, xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong ba khâu đột phá chiến lược được xác định từ Đại hội Đảng thứ XI. Trong đó, hạ tầng giao thông rất quan trọng. Chúng ta đang phấn đấu đến năm 2030 có 5000 km đường cao tốc. Muốn làm được như vậy, năm 2025 chúng ta phải có 3000km đường cao tốc. Trong khoảng 20 năm qua, hệ thống đường cao tốc của chúng ta được đưa vào sử dụng chưa nhiều nhưng cũng để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm cho quá trình thực hiện các dự án khác. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay ta đã đưa vào sử dụng khoảng 1.700km đường cao tốc và đang thi công khoảng 350km cùng với nhiều dự án đã và đang khởi công triển khai. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng có 5000km cao tốc chúng ta cần nỗ lực hơn rất nhiều. Hôm nay, có sự kiện khởi công dự án đường vành đai 4, tôi rất ấn tượng với kết quả Hà Nội đã làm được. Đặc biệt, sau khi Trung ương giao cho địa phương thành phố ngay lập tức phân cấp phân quyền giao lại cho quận, huyện, sau đó giao tiếp xuống đến tận xã, phường. Cách làm đó giúp ích rất nhiều trong quá trình giải phóng mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng đã khó, việc di dời mồ mả còn khó hơn, thế mà Hà Nội làm vẫn tốt.

Đặc biệt, Hà Nội còn áp dụng cơ chế huy động nguồn lực của địa phương, doanh nghiệp và người dân, đó là sự hợp tác toàn diện. Bên cạnh đó, có nhiều việc Hà Nội tổ chức bài bản như, chỉ định thầu, tư vấn giám sát, kỹ thuật,... Một dự án thực hiện có nhiều việc phải làm cùng lúc nên Hà Nội phải vận dụng cơ chế xử lý rất hợp lý. Kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, tôi thấy xưa nay, giải phóng mặt bằng ở các thành phố lớn, nhất là ở Thủ đô Hà Nội quá trầy trật, có những dự án nhiều năm vẫn chưa xong. Từ cách làm của Hà Nội đối với dự án đường vành đai 4 như bài học kinh nghiệm để áp dụng vào những dự án sau. Tôi biểu dương tinh thần đồng thuận, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Thủ đô đã sáng tạo, trách nhiệm để hôm nay có buổi khởi công này - Thủ tướng nói.

Làm sao để nhân dân ấm no, hạnh phúc

Đồng chí Đinh Tiến Dũng- Ủy viên Bộ Chính trị- Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Lâu nay, cái khó lớn nhất ở khu vực Hà Nội và các địa phương liền kề là liên kết vùng. Việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị ở các tỉnh, thành phố trong vùng, giao thương trong nội bộ Vùng Thủ đô trở nên dễ dàng. Từ đây, một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành chuỗi liên kết kinh tế, gắn bó chặt chẽ từ vùng núi đến đồng bằng. Cho nên, việc thúc đẩy triển khai dự án là trọng tâm của Hà Nội hiện nay. Thành phố đã làm tốt giải phóng mặt bằng và tái định cư tại chỗ. Thành phố đã và đang rà soát lại những cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai để làm sao các hộ dân khi từ nơi ở cũ đến chỗ mới đỡ bị thiệt.

z4461488003216_db5d2904e3ec5d8ee0f79a470cfc1642.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Về công tác này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Tôi cũng đánh giá cao sáng kiến kinh nghiệm của Hà Nội trong việc tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, những việc còn phải làm rất nhiều. Thủ tướng đề nghị các cấp chính quyền thường xuyên đi kiểm tra, giám sát những nơi ở mới xem đã đúng tốt hơn chỗ cũ chưa. Không phải cứ dân đến ở là chúng ta xong việc. Mục đích cuối cùng của mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là làm sao cho dân được ấm no, hạnh phúc - Thủ tướng nhấn mạnh.

Vai trò, tiềm năng của đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với sự phát triển của Hà Nội nói riêng, Vùng Thủ đô và cả nước nói chung là vô cùng to lớn, thể hiện tầm nhìn và quyết sách chiến lược của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; thể hiện trách nhiệm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước" của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô như tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự án không chỉ tạo không gian phát triển mới mà còn giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô như, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan, địa phương cần rà soát lại công việc, bố trí thời gian, nguồn lực đẩy nhanh tiến độ dự án, tiếp tục hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Mặc dù phần việc còn lại ít nhưng khó. Thực hiện dự án, bao giờ cũng phải chuẩn bị khối lượng lớn vật liệu xây dựng từ đất, cát, đá, sỏi,... Hà Nội nghiên cứu hình thành những điểm, bãi thải, chứa,... đảm bảo đúng quy định để đáp ứng nguồn vật liệu thông suốt, đầy đủ. Đây là khâu hay bị tắc mà lại phải xử lý ở hiện trường trong một điều kiện khối lượng thi công lớn mà thời gian không dài (thực hiện 3 ca, 4 kíp, phải vượt nắng, thắng mưa), do đó chúng ta xác định làm hết việc không hết giờ. Muốn thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, các bộ, ban, ngành và địa phương tập trung quyết liệt đôn đốc, kiểm tra thường xuyên tháo gỡ khó khăn. Rút kinh nghiệm từ những dự án trước chúng ta giải quyết những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền, báo cáo những việc vượt thẩm quyền. Các địa phương bám sát thực hiện những việc còn lại làm sao an toàn, không tham nhũng, tiêu cực, tất cả vì lợi ích nhân dân, đúng tiến độ nhưng cũng đảm bảo chất lượng - Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ./.

Trần Chung