Hang Táu: Ngôi làng “ba không” đẹp hoang sơ, yên bình ở Mộc Châu
Sở hữu không gian mát mẻ, trong lành với cuộc sống bình dị "không điện, không sóng điện thoại, không internet", Hang Táu ở Mộc Châu được những tín đồ ưa xê dịch gọi là "làng nguyên thủy" và thích thú tìm đến để "trốn khói bụi".
Những ngày đầu tháng 6, Mộc Châu (Sơn La) trở thành điểm đến lý tưởng hấp dẫn du khách bởi khung cảnh thiên nhiên hoang sơ với mùa mận trĩu cành, căng mọng tuyệt đẹp và bầu không khí mát mẻ, trong lành. Ngoài các tọa độ check-in được yêu thích, Hang Táu cũng là chốn dừng chân hút khách thập phương khi ghé thăm vùng đất cao nguyên.
Hang Táu (thuộc bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu) nằm trong thung lũng cách trung tâm Mộc Châu khoảng 18km. Nơi đây thực chất là một khu canh tác, sản xuất nông nghiệp rộng khoảng 1ha với 20 hộ dân người H’Mông. Vài năm gần đây, hang Táu được nhiều du khách tìm đến và khám phá nhờ sở hữu khung cảnh hoang sơ, hữu tình.
Người H'Mông quen gọi là hang Táu, còn những tín đồ ưa xê dịch lại đặt tên là "làng nguyên thủy" bởi khu vực này không có điện lưới, không có internet và không có sóng điện thoại.
Hang Táu nằm cạnh bìa rừng, nổi bật là những nếp nhà gỗ, nhà sàn của người H’Mông nằm rải rác sát chân núi. Ở giữa làng là bãi cỏ rộng, bằng phẳng, thoải mái để đám trẻ chạy nhảy, vui chơi hay cho gia cầm, gia súc tự do tung tăng khắp nơi. Xung quanh là những cây cổ thụ cao lớn và các khối đá vôi nhấp nhô, tạo nên khung cảnh đầy hoang sơ, ấn tượng.
Mỗi mùa, Hang Táu lại mang một vẻ đẹp riêng. Vào mùa xuân, trên đường vào “làng nguyên thủy”, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những cây hoa mận nở rộ, khoe sắc bên các nương ngô. Nhưng vào mùa mưa, đường đến đây rất khó khăn vì nhiều sình lầy, gập ghềnh và trơn trượt.
Tới Hang Táu những tháng đầu năm, du khách được hòa mình vào bầu không gian thoáng đãng, như xua tan mọi bộn bề của cuộc sống và chỉ nghe thấy tiếng chim hót, tiếng gia súc, gia cầm loanh quanh khắp làng. Cũng tại đây, khách du lịch có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm đời sống bình dị của người bản địa như tham gia trồng trọt, chăn nuôi, đào măng và học cách thêu váy hay thưởng thức rượu ngô.
Để giữ gìn những tập tục và nét văn hóa đặc trưng của khu vực này, chính quyền địa phương cũng yêu cầu du khách vào làng phải để xe máy, ô tô ngoài cổng. Ngoài ra, du khách cũng không được mang các loại thức ăn từ động vật tới đây./.