Hiển Hựu, Quý Minh, Phương Dung Tam vị đại vương
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 10:07, 21/01/2021
(Thành hoàng làng Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, TP. Hà Nội)
Đình làng Thổ Quan
Thần Phả kể rằng, gần 2.000 năm trước, vào đời Hùng Duệ Vương có ba anh em con ông Nguyễn Sùng và bà Trương Hoan từ quận Cửu Chân (Thanh Hóa) ra cư trú ở làng Quan Trạm (làng Quan Trạm thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, sau này sát nhập với làng Quan Thổ, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương thành làng Thổ Quan). Một đêm, bà nằm mộng thấy một con rồng từ trên trời bay xuống cuốn chặt lấy người và tặng cho hai trái đào tiên. Bà mang thai đẻ sinh đôi hai người con trai vào ngày 12 tháng 2 năm Bính Thìn, và đặt tên con là Hiển và Quý. Hai năm sau, vào ngày rằm tháng Bảy năm Mậu Ngọ, bà sinh tiếp một người con gái, đặt tên là Phương. Ba anh em vốn họ Nguyễn, nhưng do ứng mộng rồng cho đào tiên nên truyền thuyết còn gọi là họ Đào.
Ba người lớn lên gặp lúc nước nhà đang bị người Hán từ phương Bắc đến thống trị. Chúng áp bức, bóc lột dân lành, bắt phu lên rừng săn voi lấy ngà, xuống biển mò trai lấy ngọc để dâng hiến các quan đô hộ và chở về cống nhà Hán.
Năm Canh Tý (40), căm giận ách cai trị hà khắc của quân xâm lược, lại mang nặng thù chồng là Thi Sách bị chúng giết hại, bà Trưng Trắc và em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát (huyện Phúc Thọ, Hà Nội ngày nay), hiệu triệu toàn dân tham gia đánh giặc.
Ba anh em ở Thổ Quan hưởng ứng, mộ quân đi theo, cùng Hai Bà đánh chiếm phủ thành Luy Lâu, trị sở của thái thú Tô Định, rồi liên tiếp giải phóng 65 thành trên đất Lĩnh Nam. Hai Bà lên làm vua, phong cho ba anh em làm tướng, đóng quân trấn giữ Thổ Quan.
Năm Quý Mão (43), Mã Viện lại đem quân sang xâm lược, Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh chống trả quyết liệt. Ba anh em ở Thổ Quan cũng rào đồn, đắp lũy, chiến đấu với giặc nhiều trận. Sau khi Hai Bà tuẫn tiết, họ vẫn dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và cùng hy sinh vào ngày mùng 2 tháng Chạp.
Trên đất Quan Trạm còn nhiều tên gợi nhớ các địa danh của trận chiến năm xưa như: Bãi Trận, Xốc Súng, Bãi Lệnh, Hồ Đồn… và trong tâm khảm người dân nơi đây vẫn lưu giữ hình ảnh đẹp của ba người anh hùng. Văn bia đình Thổ Quan tạo năm Khải Định thứ 9 (1924) có đoạn: “Kinh qua trăm trận đại phá quân giặc, đến trận sông Hát ít quân thế cô, đành lui về giữ Thổ Quan, dựng ba đồn chống địch”.
Qua cơn nguy ngập, cả ba anh em liều thân một lòng chết vì nước. Ngày tuẫn tiết, trời đất sầm tối ba ngày, hồn thiêng còn giết giặc Hán. Lòng trung vì nước, trời cũng độ trì đó chăng!
Sau khi đại vương mất, dân làng nhớ ơn công đức, dựng đình thờ phụng. Đình ở trong ngõ Thổ Quan (Trại khách cũ) số 215 phố Khâm Thiên đi sâu vào thôn Quan Trạm cũ. Đình xưa nhỏ bé, năm Giáp Ngọ (1894) đời Thành Thái mới xây lại khang trang.
Các triều đều có sắc phong Tam Vị Đại Vương là Thượng Đẳng Phúc Thần, được dân suy tôn là bản Cảnh Đại Vương Thần. Tại đình còn ba ngai thờ và bài vị đề: Hiển Hựu Đại Vương; Quý Minh Đại Vương; Phương Dung Công Chúa.
Trước đây, dân gốc làng Thổ Quan có tục kiêng tên húy Thành hoàng, gọi Hựu là Họa, Minh là Miêng, Dung là Dang. Phần mộ ba vị thần trước ở thôn Hào Nam (khu vực Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), nay không còn dấu vết.
Tại đình có một số câu đối ca ngợi sự nghiệp hiển hách của ba vị tướng họ Đào hy sinh vì nước:
Ứng đào mộng, bá tiên cung,
di tích cổ kim tồn bí sử,
Phụ Trương Vương, trừ Hán tặc,
linh thanh Nam Bắc lầm sùng từ.
Tạm dịch:
Ứng mộng đào, giáng cung tiên,
tích lạ xưa nay truyền bí sử,
Phò vua Trưng, trừ giặc Hán,
danh linh Nam Bắc vững đền nghiêm.
Hằng năm, dân làng Thổ Quan tổ chức lễ dâng hương các vị Thành hoàng vào ngày 10 tháng 2. Trong hội có hát cửa đình ca ngợi chiến công của Hai Bà Trưng.
Đình thờ Tam vị đại vương đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.