Tác giả - tác phẩm

Nhớ nhà báo Hoàng Tùng

Nhà thơ, dịch giả Trần Đương 15:46 18/06/2023

Trong không khí nhộn nhịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), ký ức về những năm tháng làm báo trong cuộc đời tôi lại ùa về. Trong số những tiền bối, đồng nghiệp gắn bó, tôi đặc biệt nhớ tới những kỷ niệm về nhà báo Hoàng Tùng, một nhà lãnh đạo, một người anh đáng kính…

2.-nha-bao-hoang-tung.jpg
Nhà báo Hoàng Tùng - cây đại thụ của làng báo Việt Nam.

Đầu tháng 9/1975, chúng tôi ở Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin nhận được điện của Tổng Giám đốc Đào Tùng thông báo về việc đồng chí Hoàng Tùng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, sang thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, theo lời mời của Bộ Biên tập báo Nước Đức mới, cơ quan trung ương của Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức. Đồng chí Đào Tùng chỉ thị tôi bố trí thời gian tháp tùng và phiên dịch cho Tổng Biên tập Hoàng Tùng.

Khi công tác ở Hà Nội, tôi đã nhiều lần tiếp xúc với nhà báo Hoàng Tùng, một trong những nhà lãnh đạo ngành tư tưởng văn hóa. Lần này, suốt 10 ngày liền đi cùng ông trên một tuyến đường dài từ Berlin đến Dresden, Karl - Marx Stadt rồi Leipzig tôi mới có dịp gần ông, được chứng kiến những buổi tọa đàm sâu sắc của ông với lãnh đạo của Đảng bạn.

Tổng Biên tập báo Nước Đức mới trong thời kỳ đó là Joachim Hermann, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng và các vị trong ban lãnh đạo tòa báo đều quý mến nhà báo Hoàng Tùng. J. Hermann nồng nhiệt nói: "Chúng tôi đón đồng chí như đón một đồng nghiệp lão luyện từ tuyến lửa trở về. Các đồng nghiệp Việt Nam thật sự tạo nên nhiều kỳ tích vẻ vang, góp phần làm nên chiến thắng mà cả loài người đều khâm phục và tự hào".

Tuy bận rộn nhưng J. Hermann vẫn hằng ngày chỉ đạo việc tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình hoạt động của nhà báo Hoàng Tùng.

Trước đông đảo cán bộ, nhân viên báo Nước Đức mới, nhà báo Hoàng Tùng đã có cuộc nói chuyện đặc biệt lý thú, giúp các đồng nghiệp Đức hiểu tình hình xã hội và cả những mối quan hệ quốc tế, nhất là với các nước láng giềng. Phải nói rằng, là người dịch, tôi đã làm việc khá căng thẳng, vì nhà báo Hoàng Tùng không những nói nhanh mà còn đề cập nhiều vấn đề phức tạp, mới lạ.

1.-bac-ho-lam-viec-voi-bao-su-that.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc làm việc tại Báo Sự thật (trong ảnh có nhà báo Hoàng Tùng…) - Ảnh tư liệu

Nhà báo Hoàng Tùng được hướng dẫn đi thăm các bộ phận của tòa báo, thăm một số địa điểm của Thủ đô Berlin. Thời gian này, báo Nhân Dân có cử ba cán bộ sang nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của bạn. Bạn tỏ ý hài lòng và đã báo cáo với Tổng Biên tập Hoàng Tùng về tinh thần trách nhiệm ham học hỏi của các đồng nghiệp Việt Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng XHCN thống nhất Đức lúc bấy giờ là ông Werner Lamberz đã dành nhiều buổi tọa đàm cùng nhà báo Hoàng Tùng. Theo kế hoạch, cuộc tiếp diễn ra từ hai đến bốn giờ chiều, nhưng câu chuyện giữa hai nhà lãnh đạo đã kéo dài đến tận tám giờ tối. Với mối quan tâm đặc biệt, đồng chí Werner lắng nghe những vấn đề đang đặt ra cho cách mạng Việt Nam và các nước Đông Dương. Ông không chỉ nghe, ghi chép luôn tay mà còn đặt nhiều câu hỏi về các khía cạnh cụ thể. Các máy in dành cho báo Nhân Dân, máy móc truyền thanh cho Đài Tiếng nói Việt Nam, những máy tê-lếch, các kiện phim, giấy ảnh… cho Thông tấn xã Việt Nam, đều là những món quà quý báu do Đảng bạn tặng, mãi mãi được ghi nhận như một biểu hiện cảm động của tình đoàn kết chiến đấu giữa các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Sáng hôm sau, là cuộc gặp gỡ của nhà báo Hoàng Tùng với đồng chí Tổng Bí thư Erich Homecher.

Ngày 6/3/1978, đồng chí Werner Lamberz qua đời do tai nạn máy bay khi công tác ở Li-bi, trong lúc đang là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDC Đức. Nhà báo Hoàng Tùng đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 10/3/1978, thể hiện sự tiếc thương vô hạn, trân trọng một người cộng sản Đức đầy tâm huyết, đã có nhiều cống hiến vào việc thắt chặt quan hệ hợp tác giữa hai Đảng và hai nước Việt Nam - CHDC Đức.

Ngót nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi không sao quên cuộc gặp gỡ chia tay đầy tình thân ái giữa Werner Lamberz và nhà báo Hoàng Tùng bên bờ sông Spree, vào một đêm lộng gió và đầy sao. Cuộc gặp không theo hình thức lễ tân thông lệ mà là cuộc chuyện trò giữa những người anh em thân thiết. Đồng chí Lamberz cũng bày tỏ lòng yêu mến sâu sắc với nhân dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong chuyến đi năm đó, các bạn Đức luôn dành những ưu tiên vì muốn nhà báo Hoàng Tùng có được những ngày nghỉ thoải mái để hồi phục sức khỏe. Tại Nhà khách Trung ương Đảng, nhà báo Hoàng Tùng cùng mọi người xắn quần, đi hái nấm và, nhặt từng cái cho vào giỏ. Trong những giờ phút ấy, ông kể với tôi rằng: Tại chiến khu Việt Bắc, vào những đêm lửa rừng, Bác Hồ đã nói đến cuộc hành trình từ Pháp sang Đức năm 1923 để đáp tàu đi tiếp sang Nga, về thời kỳ Người hoạt động ở Đức, từng gặp Ernst Thaelmann và Wilhelm Pieck là hai vị lãnh tụ của Đảng Cộng sản Đức (KPD).

Nhà báo Hoàng Tùng cũng chia sẻ với tôi, gần 25 năm được bên cạnh và giúp việc Bác Hồ, ông đã được học tập rất nhiều từ Bác. Nhất là giai đoạn ông làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nhiều lần được Bác gọi lên dặn việc, “sai bảo” về công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí… Và những sự gần gũi giản dị hằng ngày mà Bác đối với ông, biết bao lần ông được Bác bắt tay hoặc được nắm tay Bác. Ông cũng kể về hai kỷ niệm sâu sắc mà ông nhớ mãi về Bác cho tôi nghe. Đó là lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ - khi ông được cử cùng một số đồng chí đi đón Trung ương Đảng và Bác vào nội thành Hà Nội sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Để giữ bí mật, trong chuyến gặp ấy, ông đã gọi Bác là “Cụ” và xưng “tôi”. Bác hồi đó rất gầy, trông già yếu lắm, nhưng đôi mắt thì sáng vô cùng. Mãi đến lúc kể lại câu chuyện này cho tôi nghe, mắt ông vẫn ánh lên nguyên vẹn cảm xúc sung sướng và những xúc động không diễn tả nên lời khi được Bác bắt tay lần đầu và ông đã ôm chầm lấy Bác năm nào. Kỷ niệm thứ hai mà ông nhớ mãi không quên đó là lần gặp Bác cuối cùng trước lúc Người vĩnh viễn đi xa khoảng hai, ba ngày. Ông rưng rưng kể về bàn tay yếu ớt của Bác giơ ra khi thấy ông tới thăm, Người như muốn nói ông lại gần Bác hơn. Ông đã luôn cảm động vì những ân tình của Bác, đặc biệt là lúc nằm trên giường bệnh mà Người vẫn còn nhớ tới ông. Lời kể của ông nghẹn ngào hơn, giống như khoảnh khắc sắp phải vĩnh biệt vị Cha già vô cùng kính yêu năm xưa đang hiện về sống động trong ký ức.

Tôi lấy làm vinh hạnh vì được sống cùng thời, được gặp gỡ và thân gần với những nhà lãnh đạo, các bậc đàn anh tài giỏi mà vẫn rất gần gũi, giản dị khiêm nhường. Nghề báo nói riêng và bất cứ nghề gì khác nói chung, việc được gần gũi, học hỏi không chỉ từ nghiệp vụ mà cả trong văn hóa hành nghề từ thế hệ trước là điều vô cùng may mắn./.

Nhà báo Hoàng Tùng (1920 - 2010) tên thật là Trần Khánh Thọ, quê ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông là “cây đại thụ” trong làng báo Việt Nam, thuộc lớp người hoạt động từ thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, được Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh trực tiếp hướng dẫn, rèn luyện trong đấu tranh cách mạng cũng như trong nghề nghiệp làm báo. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hoàng Tùng từng giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng như: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Xứ ủy viên Bắc Kỳ, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư
Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.

Nhà thơ, dịch giả Trần Đương