Huyện Thạch Thất: triển lãm giới thiệu sản phẩm làng nghề, OCOP và sinh vật cảnh
Hiện tại, huyện Thạch Thất có 50/59 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Thạch Thất cũng là vùng đất cổ mang đậm nét đặc trưng của văn hóa xứ Đoài, với 101 di tích đã được Nhà nước xếp hạng...
Tối 17/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã dự khai mạc triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh huyện Thạch Thất năm 2023; Chào mừng kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, tại Sân vận động huyện Thạch Thất, thị trấn Liên Quan.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết: Thạch Thất là huyện ngoại thành nằm ở phía Tây của thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 25km với nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế, trong đó, phải kể đến quy hoạch Đô thị vệ tinh Hòa Lạc với diện tích 17.074 ha là cơ hội lớn để huyện phát triển trong tương lai. Hiện tại, huyện Thạch Thất có 50/59 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống.
Thạch Thất cũng là vùng đất cổ mang đậm nét đặc trưng của văn hóa xứ Đoài, với 101 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, trong đó, chùa Tây Phương được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Thạch Thất cũng là quê hương của Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan, Lương y Nguyễn Tử Siêu…
Trải qua các thời kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước, huyện Thạch Thất vinh dự có 11 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang, trong đó, xã Đại Đồng 2 lần được phong tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng thời kỳ đổi mới; 03 cá nhân được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang, 01 cá nhân được phong tặng Anh hùng lao động. Huyện vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, trên địa bàn huyện Thạch Thất đã có nhiều đổi thay. Trước khi hợp nhất, toàn huyện có diện tích 13.183ha với 20 đơn vị hành chính; dân số 164.886 người; thu nhập bình quân đầu người đạt 11,6 triệu đồng/người/năm. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, huyện Thạch Thất có thêm 3 xã: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình chuyển từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Đến nay, huyện có tổng diện tích đất tự nhiên 18.459ha với 23 đơn vị hành chính cấp xã; đảng bộ huyện có 74 tổ chức cơ sở Đảng với 9.165 đảng viên.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2013, xã Đại Đồng là xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2018, tất cả các xã trong huyện đều đạt xã NTM. Năm 2020, huyện Thạch Thất vinh dự được đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020”. Hiện nay, huyện đã tập trung chỉ đạo, xây dựng các xã đạt tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Phấn đấu hết năm 2023 sẽ có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt NTM kiểu mẫu. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện ước thực hiện năm 2023 đạt hơn 35,9 nghìn tỷ đồng đồng, tăng trưởng bình quân đạt 12,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 phấn đấu đạt 100 triệu đồng (mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 120 triệu ). Năm 2008 là 11,6 triệu đồng.
Trong không khí kỷ niệm 75 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; đặc biệt là kỷ niệm 15 năm điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện, huyện Thạch Thất đã khai mạc triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh năm 2023. Triển lãm có sự tham gia của hơn 200 gian hàng, hàng nghìn sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp, đồ gia dụng, hơn 2.000 sản phẩm sinh vật cảnh đặc sắc đến từ các quận, huyện, thị xã trong thành phố và cả nước. Sự kiện diễn ra trong 10 ngày, toàn bộ kinh phí tổ chức từ nguồn xã hội hóa./.