Đời sống văn hóa

Tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang

Hoa Quỳnh - Hải Truyền 14:57 16/06/2023

Xã Vân Hà (huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội) nhiều năm qua đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, trong đó phong trào "cưới văn minh, tang tiến bộ" đã đem lại trái ngọt, góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Vân Hà có 5 thôn với dân số hơn 11.000 người, trước đây là một vùng chiêm trũng, kinh tế thuần nông chuyên canh cây lúa nhưng bù lại, địa phương có nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống hàng trăm năm. Vì thế, ngoài sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình tại xã Vân Hà chú trọng sản xuất đồ gỗ và sản phẩm gỗ mỹ nghệ vừa giữ gìn văn hoá truyền thống vừa để tăng thu nhập. Kinh tế, đời sống tinh thần và trình độ văn hóa của người dân cũng theo đó phát triển.

Không chỉ kinh tế - xã hội ngày một phát triển, chính quyền và nhân dân xã Vân Hà thời gian qua còn chung tay xây dựng đời sống văn minh, tiên tiến. Trong đó phải kể đến phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, đẩy mạnh thực hiện nếp sống “cưới văn minh, tang tiến bộ” trên địa bàn xã với những kết quả nổi bật.

img_0120.jpg
Ông Phạm Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết địa phương nhiều năm qua đã thực hiện phong trào “tang tiến bộ, cưới văn minh”.

“Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; Chỉ thị 11-CT/TU năm 2012 của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Thành phố, gần hơn là Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, phong trào hiếu hỉ văn minh, tiến bộ tại xã Vân Hà hơn 10 năm qua được đẩy mạnh”, ông Phạm Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà chia sẻ.

Hàng năm, Đảng ủy xã đã ban hành các chương trình trọng tâm, các Nghị quyết về việc thực hiện “tang tiến bộ, văn minh” trên địa bàn. Đảng ủy xã chỉ đạo các chi bộ ra Nghị quyết để thực hiện các chỉ tiêu, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ đảng viên về thực hiện có hiệu quả nội dung thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của xã chỉ đạo các thôn xây dựng quy ước để thực hiện việc tang tiến bộ và đưa ra chỉ tiêu thực hiện việc này.

Thời gian đầu triển khai phong trào cưới văn minh, tang tiến bộ tại xã Vân Hà cũng gặp một số khó khăn, nhất là việc thực hiện tang tiến bộ. Một số gia đình, người dân do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, lợi ích của việc hỏa táng nên vẫn còn gia đình địa táng cho người đã mất, hoặc tổ chức ăn uống linh đình, nhạc đám tang suốt ngày đêm gây phiền hà cho mọi người xung quanh. Song bằng sự kiên trì, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của xã, bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau đã làm nhận thức người dân thay đổi. Nhằm khuyến khích nhân dân thực hiện tốt việc đưa người mất qua đời đi hỏa táng, UBND xã đã có chính sách hỗ trợ cho mỗi ca đi hỏa táng là 1.000.000 đồng/1 ca (từ 2008-2016) và 500.000 đồng/ca từ năm 2016-2021). Đến nay trên địa bàn xã 5/5 thôn số người mất qua đời đi hỏa táng đạt 100%.

20230614_101847.jpg
Một góc phố tại xã Vân Hà.

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tại xã Vân Hà, khi có người qua đời, hầu hết các gia đình hoặc thân nhân đều làm thủ tục đăng ký khai tử tại UBND xã trước khi tổ chức lễ tang. 5 thôn của xã đều thành lập ban tang lễ do Trưởng thôn là Trưởng ban, đại diện gia đình có người mất, các đoàn thể và các cụ trong đội hậu phúc làm ủy viên. 5 thôn đều đưa vào quy ước không cử nhạc tang trước 6 giờ sáng và không quá 22 giờ đêm, âm thanh không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam. Cả 5 thôn đều có đội chôn cất, được phân công theo từng lứa tuổi cụ thể. Cùng với đó, các tổ chức, đoàn thể trong xã không viếng vòng hoa, bức trướng; các đám tang không bày, mời hút thuốc lá, xóa bỏ hủ tục lăn đường, khóc mướn, không rải vàng mã khi đưa tang.

“Về tổ chức ăn trong đám tang chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không mời khách ăn uống trong đám tang. Các thôn đều tổ chức lễ viếng trang nghiêm, làm lễ truy điệu và mai táng cho người quá cố theo quy định của địa phương. Việc chôn cất tại nghĩa trang, các gia đình có người mất đều thực hiện theo Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 22/7/2014 của UBND Thành phố Hà Nội. Các phần mộ trong khu mộ mới được bố trí khoảng cách đều bằng nhau, giữa hai hàng mộ là 0,8 m, giữa 2 mộ là 0,6 m. Các phần mộ cải táng phải nằm trong khuôn viên nghĩa trang nhân dân đã được địa phương quy hoạch”, ông Phạm Hồng Phong chia sẻ.

Để đạt được những kết quả của việc tang tiến bộ, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho rằng công tác tuyên truyền, dân vận và nhận thức của người dân là quan trọng nhất. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội xã Vân Hà dành nhiều thời gian tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên thực hiện 4 nội dung của việc tang văn minh thông qua hệ thống loa truyền thanh xã, thôn, các pano, áp phích, băng rôn và cả các kênh mạng xã hội zalo, facebook. Việc tuyên truyền tang văn minh tại Vân Hà còn được thực hiện qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, các buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng từ các tiểu phẩm, các hoạt cảnh. Hàng năm, tại Hội nghị đại biểu nhân dân, 100% các thôn đều đưa ra bàn bạc, đưa việc tang văn minh tiến bộ vào quy ước làng văn hóa để thực hiện.

van-ha-1-2-.jpg
Người dân trong xã Vân Hà tham gia Hội nghị tuyên truyền về thực hiện tang văn minh tiến bộ hồi cuối tháng 5/2023. Mọi người đã được Ni sư – TS. Thích Minh Thịnh truyền đạt các nội dung thực hiện tang văn minh, tiến bộ trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, chính quyền địa phương đã tổ chức các hội nghị, buổi nói chuyện chuyên đề, trong đó mời chuyên gia để tuyên truyền về tang tiến bộ. Điển hình cuối tháng 5 vừa qua, tại Hội nghị tuyên truyền về thực hiện tang văn minh tiến bộ, UBND xã đã mời Ni sư – TS. Thích Minh Thịnh, Ủy viên Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Giảng viên Bộ môn Tôn giáo học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Trụ trì chùa Diên Phúc, đến truyền đạt các nội dung về nghi lễ thờ cúng ông bà, tổ tiên và việc thực hiện tang văn minh, tiến bộ trong giai đoạn mới.

Ni sư - TS. Thích Minh Thịnh khuyến cáo người dân nên thực hiện tang đúng nghi lễ, không phô trương; các vấn đề mê tín dị đoan như việc xem ngày, trừ tà, gọi hồn, rải vàng mã, tiền vàng, ăn uống và cử nhạc tang linh đình đều không phù hợp và cũng không có trong đạo Phật. Trụ trì chùa Diên Phúc khuyến khích người dân nên thực hiện việc hỏa táng, điện táng cho người đã mất để thể hiện sự văn minh, vừa tiết kiệm quỹ đất nghĩa trang, không gây ô nhiễm môi trường và không gây lãng phí... Qua đó, mỗi người trở thành một tuyên truyền viên vận động gia đình, người thân có suy nghĩ, hành động đúng đắn để thực hiện tang văn minh tiến bộ.

Đối với việc tổ chức cưới trên địa bàn xã Vân Hà từ lâu đã thực hiện theo nếp sống văn minh. Các đám cưới của cán bộ và nhân dân tại địa phương được tổ chức gọn nhẹ, trang trọng, không hút thuốc lá, không mở loa đài quá to, khuya sớm… như trước. 100% các đám cưới được trao đăng ký kết hôn tại Trụ sở UBND xã Vân Hà. Hầu hết các đám cưới trong gia đình cán bộ, đảng viên đều gọn nhẹ, không tổ chức trong giờ hành chính.

abn.jpg
Các đám cưới trên địa bàn xã Vân Hà từ lâu đã thực hiện theo nếp sống văn minh như báo hỷ, tiệc ngọt, tiệc trà...

“Các đám cưới tại Vân Hà không bày và mời thuốc với khách, không tổ chức nhiều ngày, chỉ tổ chức ăn uống vào một buổi chính để tránh lãng phí. Nhiều đám cưới tổ chức theo nếp sống mới như báo hỷ, tiệc ngọt, tiệc trà, tổ chức cưới trong nội bộ gia đình”, ông Phạm Hồng Phong cho biết thêm.

Từ một vùng quê với nghề nông là chính, nhận thức của người dân về tổ chức hiếu hỉ có lúc còn hạn chế, nhưng với những gì đã đạt được kể trên, nếp sống của người dân xã Vân Hà đã có nhiều thay đổi, qua đó góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch./.

Hoa Quỳnh - Hải Truyền