Lý luận - phê bình

Văn hóa & Báo chí

Nhà LLPB Nguyên An 06:38 16/06/2023

Trải qua thời gian, diện mạo và chất lượng báo chí nước ta đã có nhiều đổi mới, ngày một thích ứng với nhịp phát triển của thời đại. Tuy nhiên ở bất cứ chặng đường nào thì những căn cốt của báo chí gắn với văn hóa vẫn luôn là cơ sở, là kim chỉ nam mang tính định hướng cho hoạt động báo chí.

anh-minh-hoa-1.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và nói chuyện tại Đại hội lần thứ III "Hội Nhà báo Việt Nam" ngày 8/9/1962. Nguồn TTXVN

Văn hóa là cơ sở tạo nên thành công của báo chí

Đó là một luận điểm mà những ai từng nghiền ngẫm bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng từ năm 1943) đều nhất trí.

Để quán triệt được luận điểm cơ bản, then chốt này, chúng ta cần cả một quá trình. Đó không chỉ là nâng cao trình độ chính trị, mà còn cần rất nhiều cố gắng để mở rộng hiểu biết, nâng dần tầm vóc văn hóa, khí chất nhân văn của mỗi người đang hoạt động trong ngành báo chí.

Chẳng hạn, trước kia chúng ta thường chú trọng xác định rồi nâng cao nhiệm vụ tuyên truyền - giáo dục đường lối, nhiệm vụ cách mạng của báo chí (có lúc có nơi coi đó là nhiệm vụ gần như duy nhất); thì giờ đây, ngoài nhiệm vụ trọng yếu ấy, báo chí còn được trao cho một quyền năng nữa, là tạo ra, rồi dẫn dắt những cuộc đối thoại xã hội vừa rộng lớn, có tầm chiến lược, vĩ mô, lại vừa rất thiết thực, liên quan đến đời sống hằng ngày. Đó là khi các tác phẩm báo chí được công chúng tiếp cận mỗi ngày, rồi trở thành chủ đề bàn tán, tranh luận cũng như gợi mở sự tìm tòi cho độc giả. Trong xu thế tự nhiên - tất yếu của quá trình đổi mới và phát triển để hội nhập sâu rộng với thế giới nhiều phức tạp, mỗi dân tộc - quốc gia lấy gì để “kề vai sát cánh” với nhân loại đây? Lấy tiến bộ công nghệ - kỹ thuật chăng? Lấy nguồn nhân lực được đào tạo khả dĩ chăng? Lấy tài nguyên ở rừng - biển - đất đai… chăng?

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam ta lấy văn hóa phi vật thể cũng là một hướng có thể lắm. Bởi vì đây là bản sắc dân tộc, là một trong những lợi thế của nước ta và cũng là lĩnh vực quan trọng, luôn được thế giới lưu tâm dù dòng chảy hiện đại có trôi đến đâu. Và đây cũng là một nhiệm vụ lớn đặt cho nhóm báo chí truyền thông nội bộ cũng như truyền thông đối ngoại. Rất may là trong bối cảnh đó, báo chí nước ta đã bắt nhịp với sự phát triển của báo chí đa phương tiện và kỹ năng sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ truyền thông hiện đại để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không chỉ thế, những người làm báo đương đại phải có nền tảng tri thức sâu rộng và vững chắc, bằng cách tự cập nhật kiến thức và trau dồi thêm. Sự thành công của các sự kiện văn hóa dù ở quy mô lớn hay nhỏ, các hoạt động giới thiệu đặc sắc phong tục truyền thống vùng miền với hình thức phong phú, đa dạng cũng như thu hút nhiều sự quan tâm của bạn bè quốc tế là minh chứng cho những nỗ lực tự nâng tầm bản thân của các nhà báo.

Ngày nay, từ các góc độ nhìn nhận khác nhau, văn hóa nhiều khi được hiểu như là một tổ hợp hành nghề của nhiều người, như là một phẩm giá cá nhân, như một trình độ của văn minh và cả mức sống của một cộng đồng. Văn hóa có mặt ở khắp nơi, và dường như là ở mọi lúc. Mỗi cá thể đang góp phần tạo ra văn hóa chung ở các cộng đồng hẹp hoặc rộng, và đương nhiên, họ - mỗi cá nhân ấy, cũng được hưởng lợi, là sự vui vẻ, thỏa mãn hoặc ngược lại, là sự băn khoăn, thậm chí là thất vọng.

Khi hàm lượng văn hóa trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an sinh xã hội ngày càng cao, càng đậm đà thì báo chí có được một nền tảng, một điểm tựa chắc chắn hơn mà phát triển. Hơn thế, chính hàm lượng văn hóa này ở các lĩnh vực trên mặc nhiên, đã gợi ra cho các cơ quan báo chí, các nhà báo xác định cho mình rõ hơn, đúng hơn một phương hướng hoạt động, và cả một số cách tác nghiệp.

Nghề báo là nghề đòi hỏi phải học tập suốt đời

Sinh thời, nhà văn viết báo rất sành là Tô Hoài có kể: ông Ngô Tất Tố là thầy thực sự của tất cả chúng tôi, từ Nguyễn Công Hoan cho đến mấy anh em nhóm Tự Lực Văn Đoàn nữa.

Cụ Ngô Tất Tố vốn là thầy giáo làng, dạy chữ Nho, vốn Hán học của cụ rất sâu rộng. Như Phan Khôi là bậc lừng danh, tính khí cũng không dễ dàng gì, mà vẫn nể phục cụ Tố, là bởi ngoài vốn Nho học, cụ Tố còn biết tiếng Pháp. Khi làm nghề viết báo, cụ Tố viết rất nhanh và trúng, tính luận chiến trong tác phẩm báo - chí của cụ Tố rất cao. Và ai bị cụ phê phán về lối văn phong uốn éo kiểu nịnh Tây “rất khó chịu” cũng khó mà cãi lại được bởi cụ dựa trên kiến thức còn họ lại chưa đủ trình độ lẫn thái độ.

Ngoài Ngô Tất Tố, còn có nhiều nhà báo - nhà cách mạng cùng thời trước 1945 ở ta tinh thông văn hóa, ngôn ngữ Việt và ngoại ngữ như Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Trần Mai Ninh… đều là những tấm gương tự học mà nên. Vốn văn hóa, vốn hiểu biết thực tiễn đời sống của đồng bào đồng chí ở các nhà báo tiên phong này cũng khó có ai đo đếm và sánh kịp được. Bởi thế mà các tác phẩm báo chí của họ luôn có lập luận chặt chẽ, chứng cứ xác đáng… mà văn phong thì rất linh hoạt, đúng - hợp với hoàn cảnh đối thoại, nội dung đối thoại… Dù là một bài báo ngắn hay cả một thiên luận chiến dài, vẫn đâu vào đấy: có xác quyết, có tí hồ nghi khoa học, nhiều chỗ lại nhắc nhở nghiêm trang mà vẫn ôn tồn nhẹ nhàng… Còn đối với kẻ thù của nhân dân, thì các nhà báo mẫu mực như Nguyễn Ái Quốc hay Nguyễn An Ninh, Trường Chinh… đều có lời lẽ lúc thì đanh thép, khi lại mai mỉa, khiến kẻ ác không thể chối tội, người đọc khác thì hả hê, tán thưởng.

Báo chí trong tư tưởng và hành động của các nhà yêu nước và cách mạng, quả thực, là lợi khí đấu tranh với kẻ thù, là lời bàn bạc chân tình và sáng suốt với đồng chí đồng bào của mình.

Có người nói: Có tài thì viết/ nói gì cũng được. Song tôi muốn lưu ý thêm là: Phàm là người viết, nhất là nhà báo, ngoài tài năng ra thì rất cần có đức hạnh, có văn hóa.

Trong hàng nghìn nhà báo của ta hiện nay, số người có đức có tài cũng không ít. Họ là vốn quý trực tiếp nâng cao chất lượng toàn diện của báo chí Việt Nam hôm nay và đáng để đồng nghiệp học hỏi. Quá trình học hỏi từ các đồng nghiệp, tiền bối giỏi không chỉ để bổ sung kiến thức, mở rộng hiểu biết, trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ mà còn phải học hỏi, noi gương họ ở cách cư xử, cách tác nghiệp và làm báo có văn hóa.

Nói về Văn hóa báo chí hiện nay, xin mượn lời của nhà báo Phan Quang thay cho sự đồng tình: “Văn hóa báo chí biểu hiện cuối cùng ở hiệu quả xã hội của từng tác phẩm, ở cống hiến của người làm báo qua cả cuộc đời tác nghiệp của họ, ở dấu ấn dài lâu của từng cơ quan báo chí, truyền thông vào tiến trình phát triển xã hội. Mối quan hệ văn hóa-báo chí thường tiềm ẩn, song đấy lại là cái âm thầm khắc họa nhân cách nhà báo chân chính, phân biệt họ với những kẻ lợi dụng báo chí vì mục đích tầm thường; là nhân tố kiến tạo bản sắc của cơ quan báo chí, truyền thông, phân biệt chúng với các thứ từ xưa đã bị coi là “lá cải”, là điều kiện hun đúc, kết tinh nên thực chất của nền báo chí quốc gia”.

Vậy nên, khi sống và viết với sự dụng công, trách nhiệm nghề nghiệp, từ những mạnh dạn thể nghiệm phương pháp của nghề… các nhà báo sẽ nâng cao được căn cốt văn hóa của mình, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa báo chí./.

Nhà LLPB Nguyên An