Lý luận - phê bình

Nhà báo Vương Tâm trên những nẻo đường xa

Ngọc Bích 15/06/2023 07:17

Nhà báo kiêm nhà thơ Vương Tâm, nguyên Trưởng ban báo Hànộimới Cuối tuần, là người con của xứ Đoài mây trắng. Ông được sinh ra trong hơi thở của vùng đất đá ong nồng ấm, và lớn lên cùng với tiếng đàn bầu của ông nội, tại làng Hương Ngải, Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Bốn mươi năm làm báo và theo đuổi sự nghiệp văn chương của ông đã để lại những dấu ấn thật khó quên.

mot-so-sach-van-xuoi-va-bao-chi-cua-nha-bao-vuong-tam.jpg
Một số tác phẩm của nhà báo Vương Tâm

Vương Tâm yêu mảnh đất quê hương và say mê viết về Hà Nội với tất cả tình cảm chân thành nhất. Nhiều giải thưởng báo chí đến với ông như một sự khích lệ đáng trân trọng. Đặc biệt trong cuộc thi phóng sự, bút ký về Hà Nội do báo Người Hà Nội tổ chức năm 2010, nhân 1000 năm Thăng Long Hà Nội, ông đã được trao giải Nhất. Đó là kết quả của những chuyến đi. Ấy là chưa kể ở lĩnh vực khác ông cũng đoạt những giải thưởng cao trước đó như: Giải A cuộc thi thơ tình do báo Văn nghệ tổ chức năm 2006-2007; giải Nhì cuộc thi viết truyện ngắn do báo Người Hà Nội tổ chức năm 2006; giải Ba cuộc thi truyện ngắn 1200 từ do báo Tuổi trẻ (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức năm 2008… Gần đây nhất (năm 2022), nhà báo Vương Tâm còn đoạt giải Ba với truyện ngắn “Tàn tro” viết về đề tài người chiến sĩ công an nhân dân.

chan-dung-nha-tho-vuong-tam.jpg
Nhà thơ, nhà báo Vương Tâm

Thời gian đối với nhà báo Vương Tâm giờ đây ngỡ như không khi nào già nua, cho dù ông đã xấp xỉ tuổi bát thập. Ông vẫn mê mải đi như thời còn trẻ, mà lại thường đi xe máy dẫu nhiều nơi ông tới hết sức xa xôi. Có những nơi xa hàng trăm cây số nhưng ông không ngần ngại đi thực tế. Thậm chí có địa chỉ ông đã phải đi lại vài ba lần bằng xe máy, như xã Văn Luông, huyện Tân Thanh, Phú Thọ để nắm vững những thông tin cần cho một bài viết. Có những lần đụng xe ngã gãy xương đòn gánh, hay gãy ba xương sườn, chưa kịp lành ông vẫn quyết tâm lên đường để thực hiện cho được những đề tài mình đã dự định.

Nhà báo Vương Tâm là thế đó. Đi và đi. Viết báo và sáng tác văn chương đã trở thành cái nghiệp cột lấy cuộc đời ông cho dù đồng tiền kiếm được không đủ bù đắp cho những chuyến đi xa. Tính đến nay, ông đã xuất bản được hơn 40 đầu sách thuộc nhiều thể loại: thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký phóng sự và biên soạn báo chí… Đầu năm 2023, ông ra mắt tập truyện ngắn mới nhất: “Em vẫn như ngày xưa” và tập ký chân dung nghệ sĩ “Lạ lắm kiếp đam mê”. Đây là những nỗi niềm về thân phận, đời người rơi vào những hoàn cảnh trớ trêu mà ông đã gặp trên những nẻo đường đã qua.

Với nhiều bút danh khác nhau, ông đã viết hàng trăm phóng sự, bút ký và ghi chép in trên nhiều tờ báo từ địa phương đến Trung ương. Ấy là chưa kể ông còn là cộng tác viên cho những chuyên mục của mấy tờ báo ra hàng tuần, hàng tháng ở Trung ương và Hà Nội. Trong nhiều chuyến đi, một số nhà báo trẻ cùng theo ông để tác nghiệp và thường tham khảo ý kiến ông về những vấn đề đã xảy ra hay những câu chuyện về tương lai của nó.

Nhà báo trẻ Nguyễn Văn Học (báo Nhân dân Cuối tuần) đã từng viết về ông, với những dòng chia sẻ trên những chuyến đi: “Tôi và ông thường có những chuyến của hai người. Những chuyến đi đôi khi chỉ là để tìm hiểu một vùng đất, để viết một bài báo nhỏ, thậm chí chỉ để chịu cái nắng nôi gió cát cho thấu thêm nhịp sống ở đời. Ông nhanh nhẹn và tôi còn trẻ. Ông chỉ bảo và tôi biết lắng nghe. Những chuyến đi, dù không thu được lợi trước mắt, thì đó cũng là những viên gạch cho tòa tháp vốn sống của những nhà văn. Chúng tôi theo kịp sức khỏe của nhau dù một người đã hơn 60 còn một người chưa đầy 30. Vương Tâm trẻ đến nỗi, chỉ cần tôi “ới” một câu là ông lại hỏi: “Đồng chí có chỉ thị gì?”. Vương Tâm lại nhanh chóng sắp xếp những công việc để đi và chịu… vất vả cùng tôi. Cái tạng của ông nó như thế và ông cũng thích như thế. Giao du với những người trẻ để thấy mình thêm trẻ, và để những trang viết cũng sinh động hơn”.

Còn nhà báo Nghiêm Nhan (Đài Truyền hình Việt Nam) cũng đã nhìn nhận về nhà báo Vương Tâm với một nét họa thú vị: “Mọi người luôn hình dung anh là kẻ vui đâu chầu đấy, thoáng đây, thoắt đó và nhất là các cô gái thì coi anh là tên cả nể, nhẹ dạ. Mọi người cười. Anh cũng phì cười rồi nói “Tính tớ thế, đếch sửa được!”. Còn có một cô gái nhận xét: “Vương Tâm chẳng dám nóikhôngvới ai bao giờ. Vui đâu chầu đấy…”. Vậy mà, thật ngạc nhiên với công việc thì ngược lại, dễ đến hai chục năm nay, không năm nào Vương Tâm không in sách. Có đến vài ba tác phẩm được in lần thứ hai. Thậm chí có cuốn sách biên soạn về ca khúc được nhiều người yêu thích còn được tái bản tới mươi lần… Cũng ghê đấy chứ?”.

Nhà báo trẻ Trần Đức Hiển (Đài Phát thanh huyện Sóc Sơn) đã từng theo chân ông đến với thôn Mồ Đồi, xã Vân Hòa, huyện miền núi Ba Vì, mới hay ông thật sự gần gũi với bà con và được họ đón tiếp nồng nhiệt biết bao. Anh nhớ lại: “Chúng tôi hòa cùng niềm vui của thôn bản người Mường khi có khách đến nhà. Đầu tiên là điệu múa và bài ca mời trầu, nhà báo Vương Tâm ngay lập tức hòa nhập với không khí lễ hội và trò chuyện với cán bộ thôn cùng già bản và hỏi han nhiều về phong tục tập quán của người Mường. Ông ghi chép và chiêm nghiệm qua những lời ca điệu múa với vẻ đẹp đặc sắc do những người phụ nữ của thôn trình diễn. Ông nhanh nhẹn và thao tác công việc bố cục sân khấu để chụp ảnh một cách thật sự chuyên nghiệp”.

Nhà văn Y Ban mới đây cũng đã viết về ông trong một bài báo trên tờ Cảnh Sát toàn cầu Cuối tuần với những tâm sự khá dí dỏm: “Lại nhớ cách đây dăm tháng, khi từ Hòa Bình về qua Trúc Sơn ông bị tai nạn tiếp, không gãy cẳng nhưng khớp gối trượt lủng lẳng. Một thân một mình với cái cẳng chân có thể quay 360 độ. Có một khách qua đường đã đưa ông vào bệnh viện huyện. Lần này có vẻ nặng đây. Các bác sĩ đã dặn ông rất kỹ, chịu khó kiêng đi lại kẻo cái sẩy nó nẩy cái ung, què dệt. Bạn bè rồng rắn đến thăm ông. Chẳng ai nói ra, sợ gở mồm, chắc phen này ông Vương Tâm sợ không dám đi nữa rồi. Ấy vậy mà chưa đầy nửa tháng sau ông đã tập tễnh bê chiếc chân nẹp ra phố. Rồi chửa đến tháng sau đã thấy ông phóng xe máy vi vu. Chúng tôi bảo nhau, trong ngôn từ của Vương Tâm không có hai từ sợ đi. Hỏi ông có phải thế không, ông cười khá duyên, cái duyên chúm chím hoa rau muống của ông đã cưa đổ bao cô gái, không đi được ngứa ngáy lắm, với lại báo nọ báo kia họ đặt bài nhận lời rồi thì phải đi”. Ngoài đời, nhiều người khen ông đào hoa, lắm nhan sắc, lắm thơ tình, ông chỉ tặc lưỡi: “Giời đày ấy mà, báu gì!”

mot-so-tac-pham-tho-cua-vuong-tam.jpg

Nói vậy chứ ông lại là người gặp nhiều trục trặc trong cuộc sống cũng như tình duyên. Có thời ông phải chuyển nhà liên tục: từ Tân Mai, Bách Khoa đến Kim Mã, Núi Trúc, Trần Hưng Đạo rồi qua Trung Tự, Linh Lang. Mươi năm qua ông đã có chỗ ở mới, ổn định lâu dài và sống hạnh phúc với người vợ thứ hai là một cô giáo trẻ, tại căn nhà nhỏ ở sau ga Hà Nội. Đây cũng là thời gian ông viết khá nhiều. Vương Tâm Viết như để giải tỏa những ẩn ức trong mình. Nhiều chi tiết trong cuộc sống hằng ngày có thể với người khác nó sẽ trượt qua, nhưng Vương Tâm lại biết cách níu giữ nó và tạo nên những hình tượng thơ ca với những nỗi niềm yêu thương nhân ái thông qua các tác phẩm của mình. Ông là một trong những nhà báo lớn tuổi viết khỏe nhất hiện nay. Hiếm người viết được đều đặn như ông khi thường xuyên có bài báo in trên các báo như Văn nghệ hay Văn nghệ Công an… Những chuyến đi gắn bó với cuộc đời làm báo của ông. Vương Tâm tự nhận mình là kẻ rong chơi nhưng ai cũng nhận biết ông là một nhà báo làm việc không biết mệt mỏi. Thầm lặng, nhẫn nại và dạt dào cảm xúc trong mỗi con chữ hiện lên… là một Vương Tâm trong ấn tượng của bạn viết./.

Ngọc Bích