Hà Nội tập trung đầu tư phát triển hạ tầng và các công trình giao thông
Tại Hội nghị lần thứ 13 BCH Đảng bộ TP. Hà Nội vào sáng nay 14/6, thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giữa nhiệm kỳ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dần phục hồi, các cân đối lớn được bảo đảm.
Theo đó, mặc dù Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố trong bối cảnh nhiều khó khăn hơn dự báo, nhất là đại dịch Covid-19, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, TP đã chỉ đạo kịp thời, triển khai thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của Thành ủy, UBND Thành phố đã ban hành các kế hoạch với 17 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu, 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, được phân rã thành 180 nhiệm vụ cụ thể.
Tăng trưởng bình quân của Hà Nội trong 2 năm 2021-2022, GRDP tăng 5,86%. Tái cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh; dịch vụ tăng nhanh cả trong cơ cấu GRDP và cơ cấu lao động xã hội; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được chú trọng. Tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp và xây dựng tăng 0,52 điểm % so với đầu nhiệm kỳ (nông nghiệp, thuế sản phẩm giảm tương ứng 0,16 điểm % và 0,36 điểm %).
GRDP/người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng/người (khoảng 5.950 USD), tăng 18,1 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng 7,07%/năm.
Thu ngân sách được đảm bảo và vượt dự toán hàng năm. Chi ngân sách được điều hành chủ động, linh hoạt, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; kịp thời bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung xây dựng hoàn thiện nhiều nội dung lớn, mang tính chiến lược quan trọng, tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược.
Về phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử được đẩy mạnh. Giai đoạn 2021-2022 đã hoàn thành 218 dự án. Năm 2023 dự kiến hoàn thành 164 dự án. Nhiều công trình lớn, quan trọng hoàn thành hoặc đã khởi công: Vận hành Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; Đường vành đai 2 trên cao. Trong năm 2023, dự kiến hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…
Khâu đột phá thứ 2 là xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được chú trọng. Đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô; Dự thảo tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô... Xây dựng và triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố, đã thực hiện ủy quyền đối với 617 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 37% tổng số thủ tục hành chính toàn Thành phố với 531 quyết định ủy quyền và 485 quy trình nội bộ.
Thứ 3 là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đẩy mạnh. Đào tạo là chỉ số thành phần của PCI luôn trong top 5 của cả nước. Có 04 trường cao đẳng nghề được quan tâm đầu tư, một số nghề trọng điểm hướng tới trường đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%, trong đó, lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%.
Về Báo cáo sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy cho biết: Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, với quyết tâm chính trị cao, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, hệ thống chính trị thành phố, quán triệt sâu sắc, triển khai nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị bảo đảm bài bản, thận trọng, đúng quy định của pháp luật và đã đạt được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến để Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo trình Bộ Chính trị; đặc biệt là cho ý kiến đối với 5 đề xuất, kiến nghị của Thành ủy tới Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.
Đối với vấn đề đầu tư công, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị tập trung thảo luận kỹ, cho ý kiến cụ thể về các nội dung như: Việc điều chỉnh giảm tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn; đánh giá tính khả thi của các khoản thu từ đất, nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, các nguồn huy động khác; rà soát, đánh giá khả năng thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025, các dự án dân sinh bức xúc, dự án trong các lĩnh vực môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… đang được Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.
Đối với định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Ban cán sự Đảng UBND TP xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ TP về định hướng Kế hoạch đầu tư công cấp TP năm 2024, để báo cáo HĐND TP trước khi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo trình tự lập kế hoạch đầu tư công hằng năm được quy định tại Điều 56 Luật Đầu tư công.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị hội nghị cho ý kiến bước đầu về mục tiêu, định hướng, nguyên tắc và thứ tự phân bổ vốn, danh mục dự án năm 2024, đảm bảo phải phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và HĐND TP thông qua; Phù hợp với quy định của Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thực hiện.