Hà Nội phát động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Ngành Y tế đã sớm nhận định tình hình sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng chống sốt xuất huyết còn nhiều khó khăn.
Ngày 12/6, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức phát động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH).
Phát biểu tại lễ phát động, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội là TP có dân số đứng thứ 2 cả nước, địa bàn rộng, di biến động dân cư rất lớn. Vì vậy, nguy cơ về SXH luôn ở mức cao. Năm 2022, toàn thành phố ghi nhận hơn 19.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 25 trường hợp tử vong. Ngành Y tế đã sớm nhận định tình hình sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng chống sốt xuất huyết còn nhiều khó khăn.
Theo CDC Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 384 ca mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện, thị xã; 168/579 xã, phường, thị trấn. CDC Hà Nội phối hợp với các Trung tâm Y tế theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát, phát hiện ca bệnh, ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân cấp.
Cũng tại Hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chính thức phát động đợt chiến dịch các hoạt động chủ động phòng chống sốt xuất huyết trên toàn TP.
Ngay sau lễ phát động, các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH đã diễn ra lễ ra quân diễu hành cổ động về phòng, chống sốt xuất huyết; hoạt động diệt bọ gậy tại hộ gia đình của đội xung kích; hoạt động phun hóa chất diệt muỗi bằng kỹ thuật phun ULV tại hộ gia đình và phun mù nóng phòng, chống sốt xuất huyết.
Theo đánh giá tình hình dịch bệnh trên thế giới, tại Việt Nam, đặt biệt tại Hà Nội, ngành Y tế đã sớm nhận định tình hình sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng chống sốt xuất huyết còn nhiều khó khăn.
Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, để phòng ngừa sốt xuất huyết, nhận thức và thông tin là yếu tố quan trọng nhất.
Các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết không chỉ dừng lại ở việc duy trì môi trường sạch sẽ và diệt muỗi, mà còn nằm trong sự thay đổi thói quen sống. Hãy loại bỏ nơi sinh sống của muỗi bằng cách không để nước đọng trong chậu hoa, bể cá và thường xuyên làm sạch các vật dụng có thể chứa nước, từ những hành động đơn giản nhất như đậy kín và lật úp các đồ chứa nước. Đồng thời sử dụng các phương tiện phòng ngừa muỗi để giảm nguy cơ mắc SXH.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, sử dụng hình thức tuyên truyền qua Zalo, Tiktok, mạng xã hội… để người dân tiếp cận thông tin về dịch bệnh một cách nhanh nhất, sớm nhất. Đặc biệt, khi có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, sốt cao liên tục trên 2 ngày, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Các cơ quan truyền thông, báo chí thường xuyên đưa các thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, sự nguy hiểm của bệnh và các thông điệp truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, khuyến cáo người dân hãy chủ động hàng tuần diệt bọ gậy và đặc biệt khai báo khi mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh; khuyến khích người dân tích cực hưởng ứng các hoạt động phòng chống dịch của y tế, chính quyền địa phương triển khai.
Ngay sau lễ phát động, các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH đã diễn ra: Ra quân diễu hành cổ động về phòng, chống SXH; hoạt động diệt bọ gậy tại hộ gia đình của đội xung kích; hoạt động phun hóa chất diệt muỗi bằng kỹ thuật phun ULV tại hộ gia đình và phun mù nóng phòng, chống SXH./.