Hoạt động hội

Sáng tỏ những giá trị văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh 

Thụy Phương 07:15 31/05/2023

Trong bất cứ diện mạo của nền văn học nghệ thuật (VHNT) nào, đóng góp từ các địa phương là rất quan trọng. Riêng với ba vùng đất Hà Nội - Huế - TP.HCM, nơi khởi phát của các trào lưu sáng tác VHNT mang tính chất quốc gia càng đóng vai trò lớn trong dòng chảy VHNT Việt Nam. Hội thảo “Giá trị VHNT Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh trong dòng chảy VHNT Việt Nam” được tổ chức tại thành phố Huế mới đây đã góp phần làm sáng tỏ điều đó.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động Lễ ký kết phối hợp hoạt động giữa Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ các hội chuyên ngành đến từ 3 thành phố.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề chung về VHNT của ba thành phố nói riêng, cả nước nói chung trong đó tập trung vào 3 nội dung: Sức sống tinh thần kết nghĩa của ba thành phố đại diện ba miền Bắc - Trung - Nam từ trong lịch sử, và đặc biệt là từ tháng 10/1960 đến nay; Giá trị VHNT Hà Nội - Huế - TP.HCM trong dòng chảy VHNT Việt Nam; Những vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về VHNT trong tình hình mới.

hoi-thao-docx.jpg
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ.

Giá trị trong dòng chảy VHNT Việt Nam

Chủ đề “Giá trị VHNT của Hà Nội, Huế, TP HCM trong dòng chảy văn học Việt Nam” thu hút khá nhiều tham luận đóng góp. Bàn về “Sức sống của sự kết nghĩa Hà Nội – Huế - TP Hồ Chí Minh”, NSNA Trần Mạnh Thường, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội khẳng định: “Trong dòng chảy lịch sử 1010 năm, mảnh đất thượng kinh Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, hơn 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân và trên 320 năm Sài Gòn - Gia Định, các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa phát triển đô thị của 3 thành phố mang tính quốc gia và quốc tế. Mỗi di sản, mỗi sự kiện của mỗi địa phương đều mang ý nghĩa giao thoa, tương hỗ và kế thừa của cuộc hành trình hàng trăm năm mở cõi và giữ nước của dân tộc ta, nhưng vẫn luôn nhớ về nguồn cội”.

Theo TS. Trần Thị Minh Thu – Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội - Huế - Tp. Hồ Chí Minh là 3 trung tâm VHNT tiêu biểu thuộc 3 miền đất nước của Việt Nam, trong đó văn hóa và VHNT Thăng Long - Hà Nội đóng vai trò cội nguồn, “hướng đạo” cho văn hóa và VHNT các nơi khác, bao gồm cả Phú Xuân - Huế và Sài Gòn - Gia Định - Tp. Hồ Chí Minh.

hoi-thao-2.jpg
Đông đảo các đại biểu đã về thành phố Huế tham dự hội thảo.

Là kinh đô - đô thị lớn, do đó VHNT của Hà Nội - Huế - Tp. Hồ Chí Minh vừa hội tụ văn hóa đặc trưng của 3 miền, vừa thể hiện sự hòa trộn giữa dân gian và bác học, truyền thống và hiện đại, với đối tượng công chúng thị dân đông đảo, đa dạng từ nhiều nơi đến, nhiều dân tộc.

Và dẫu mang những giá trị riêng, nhưng VHNT của 3 vùng đất đều có mối quan hệ thống nhất trong đặc điểm của VHNT truyền thống Việt Nam, đó là: tính biểu trưng, tính biểu cảm, tính tổng hợp, tính linh hoạt. 

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế cho rằng tìm hiểu nền VHNT của một vùng đất cũng chính là tìm hiểu đội ngũ tác giả và tác phẩm của chính vùng đất ấy trong tương quan với đời sống văn học cả nước. 

“Chúng ta khó có thể cô lập một tác giả là của riêng của vùng đất này mà không thể là của một vùng đất khác hay của cả nước. Ví dụ nhà thơ Tố Hữu, có một thời kỳ, ông là tác giả của Huế (với tập thơ “Từ ấy”) nhưng sau đó, ông là tác giả cả nước. Ngược lại, nhiều người làm nhạc, làm thơ rất hay về Huế nhưng không phải tác giả của Huế, như nhạc sĩ Văn Cao, Dương Thiệu Tước hay nhà thơ Hàn Mặc Tử, Thu Bồn... 

Nhưng nếu chỉ là tác giả - tác phẩm, cho dù đó là nhân tố chủ yếu nhất, cũng chưa thể làm nên diện mạo của vùng đất văn học; điều kiện rất cần thiết nữa đó là công chúng văn học, thị trường văn học, mối quan hệ văn học với xã hội, việc phổ biến văn học, xuất bản văn học, thư viện và ấn loát sách báo, các thư xã và hội đoàn văn học, các cơ quan nghiên cứu văn học và văn hóa…, nói chung là không gian văn hóa, VHNT trên mảnh đất ấy. Chỉ trong một không gian văn hóa, VHNT cụ thể như vậy mới có thể nói đến một đời sống VHNT thực sự”, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc khẳng định.

Nhiều tham luận gửi tới hội thảo cùng có chung nhận định: giá trị VHNT Hà Nội – Huế - TP Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng, là những giá trị tiêu biểu, nền tảng của văn hóa Việt Nam. 

Đáng chú ý, một số tác giả đã nêu bật các giá trị riêng biệt của từng nền VHNT với những đóng góp khác nhau đối với nền VHNT Việt Nam từ xưa cho đến nay, trên tất cả các lĩnh vực từ văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, múa đến kiến trúc, văn nghệ dân gian… Đặc biệt là những đóng góp của VHNT trong các vùng văn hóa.

Tiếp nối mạch nguồn truyền thống

Trong dòng chảy chung của VHNT nước nhà, cả Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh đều đang nỗ lực xây dựng và tạo nên gương mặt VHNT, bản sắc riêng, đa dạng, muôn vẻ trên nền tảng văn hóa dân tộc, văn hóa Việt Nam, thống nhất trong đa dạng. 

nsnd-tran-quoc-chiem(1).jpg
Lãnh đạo các hội VHNT Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh điều hành tại hội thảo

Hội VHNT ở cả 3 thành phố ít nhiều đã đầu tư nguồn lực để tổ chức các chương trình sáng tác, biểu diễn nghệ thuật tổng hợp góp phần nâng cao và rút ngắn khoảng cách về mức thụ hưởng văn hóa cho nhân dân. 

Một số tham luận tại hội thảo đã nêu bật được hiệu quả trong công tác xã hội hóa VHNT ở các địa phương. Đáng chú ý như ở TP Hồ Chí Minh, các đơn vị hoạt động VHNT công lập đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn phục vụ người dân, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và vui chơi giải trí của người dân và du khách.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các tác giả cũng đã chỉ ra một số tồn tại trong hoạt động VHNT ở cả 3 địa bàn thành phố Hà Nội - Huế, TP. Hồ Chí Minh. 

Theo đạo diễn Tăng Hoàng Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh, những tồn tại này thể hiện rõ qua hiện tượng, một số tác phẩm VHNT đang sa đà đáp ứng vào nhu cầu, thị hiếu tầm thường, hoặc nội dung tác phẩm còn sơ lược. Một số vở diễn chạy theo thị hiếu đã kém thẩm mỹ theo góc nhìn giễu cợt, chọc cười vô tội vạ. Nhiều đề tài lớn của nền VHNT cách mạng không được giới văn nghệ sĩ quan tâm, tập trung trí tuệ sáng tác, ảnh hưởng đến năng lực tuyên truyền - cổ động trong công tác tư tưởng của Đảng. Nhiều bộ môn VHNT truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, đứng trước nguy cơ mai một. Công tác lý luận, phê bình VHNT chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn…

Từ những tồn tại này, một số giải pháp được các tác giả đề xuất như: Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới và các văn bản chỉ đạo của cấp trên có liên quan đến hoạt động VHNT; Xây dựng hoàn thiện các chính sách bồi dưỡng, thu hút nhân tài và chăm lo đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để phát huy vai trò, trách nhiệm đem tài năng, sức sáng tạo, gắn bó và cống hiến lâu dài vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền VHNT của thành phố; gắn phát triển VHNT với giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

“VHNT Hà Nội – Huế - Tp. Hồ Chí Minh hiện nay vẫn cần tiếp nối mạch nguồn truyền thống trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị mang tính riêng đại diện tiêu biểu nhất của VHNT 3 miền Bắc – Trung – Nam, vừa mang tính chung thống nhất của dân tộc để thực sự trở thành “sức mạnh nội sinh” góp phần quan trọng đưa Hà Nội – Huế - Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển bền vững trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế”, TS. Trần Thị Minh Thu đề xuất. 

nha-van-ho-dang-thanh-ngoc.jpg
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế phát biểu tai hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc khẳng định đánh giá vai trò của VHNT Hà Nội - Huế - TP.HCM trong dòng chảy VHNT Việt Nam là hết sức cần thiết để từ đó dự báo hướng phát triển của nền VHNT trong tương lai. 

“Sau hội thảo này, các Hội VHNT của 3 thành phố cần năng động tổ chức các hoạt động liên quan đến nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá, nghiên cứu phê bình VHNT trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng miền. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác giữa 3 thành phố nhằm phát huy các giá trị VHNT trong phát triển kinh tế văn hoá, kinh tế du lịch, công nghiệp văn hoá. Các giá trị VHNT của 3 thành phố là hết sức lớn, rất cần được đánh thức trên cơ sở giao lưu, liên doanh, liên kết để phát triển”, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến kỳ vọng, từ hội thảo “Giá trị VHNT Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh trong dòng chảy văn học Việt Nam” sẽ gợi mở chương trình hoạt động mang tính định hướng cho 3 hội VHNT đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam; từ đó góp phần thúc đẩy văn nghệ địa phương, vùng miền và cả nước phát triển. Đây cũng là niềm tự hào và là trách nhiệm lớn lao mà những người làm VHNT Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh cần phải nỗ lực nhiều hơn./.

Thụy Phương