Chuyển động Hà Nội

Xã miền núi ở Thủ đô khoác “áo mới”

Hoa Quỳnh - Hải Truyền 14:14 30/05/2023

Đông Xuân (huyện Quốc Oai) là một trong những xã miền núi của Thành phố Hà Nội, với tỉ lệ dân số 80% là người dân tộc Mường. Trước đây, kinh tế - xã hội ở Đông Xuân còn chậm phát triển, đời sống người dân còn khó khăn, vất vả. Nhưng hiện nay Đông Xuân đã khác…

Xã miền núi của Thủ đô khoác “áo mới”

Trước kia, Đông Xuân là xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Nhưng theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, ngày 1/8/2008, xã Đông Xuân sáp nhập vào thành phố Hà Nội.

a3(1).jpg
Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Tiến Linh chia sẻ với phóng viên Tạp chí Người Hà Nội về những thay đổi, sự phát triển của địa phương trong những năm qua.

Đến Đông Xuân trong ngày hè oi ả, chúng tôi tìm gặp ông Bùi Tiến Linh, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân, mới biết vùng đất này đã, đang chuyển mình. Ông Bùi Tiến Linh chia sẻ, xã có diện tích hơn 1.600ha nhưng có khoảng 70% diện tích đồi, núi, sản xuất nông nghiệp chủ yếu, người dân đa số dân tộc Mường nên việc xây dựng và phát triển nông thôn mới ít nhiều gặp nhiều khó khăn. Song, với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đông Xuân từ một xã thuộc diện kém phát triển đã cán đích Nông thôn mới năm 2016, hiện đang trên hành trình tiến tới “Nông thôn mới nâng cao”.

“Cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi phát triển, đời sống nhân dân đã được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần”, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân cho biết. Thực tế, đường đến xã miền núi này hiện nay không còn vất vả như trước, bởi những đoạn đường đất khi nắng thì khói bụi, lúc mưa sình lầy đã được nhựa hóa và bê tông hóa từ trục đường chính tới các thôn, bản. Công ty, nhà máy hiện diện ở xã miền núi này nhiều hơn, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương vốn chỉ mạnh về sản xuất nông nghiệp. Hàng dài nhà tầng kiên cố, khang trang mọc lên dọc hai bên trục đường chính ở Đông Xuân. Điều này cũng dễ hiểu bởi vậy thu nhập bình quân năm 2021 của xã đạt 54 triệu đồng/người/năm, nhưng đến 2022 đạt 61,5 triệu đồng/người/năm. Và tính đến hết 2022, xã miền núi này chỉ còn 2 hộ nghèo.

dong-xuan(1).jpg
Cơ sở hạ tầng, giao thông ở xã Đông Xuân đã phát triển không ngừng dù đây là xã miền núi của huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội.

Từ xã miền núi gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục và y tế, Đông Xuân nay đã “thay da đổi thịt” nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền Thành phố Hà Nội và Huyện ủy, UBND huyện Quốc Oai, các cơ quan đơn vị khác của huyện. Xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở và đạt mức độ 2 xóa mù chữ.

Chủ tịch UBND xã Đông Xuân hồ hởi thông tin thêm: “7/7 thôn trong xã đã có nhà văn hóa. Hiện nay trên địa bàn xã có các câu lạc bộ dân vũ, bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh. Các câu lạc bộ tập luyện, hoạt động và thường xuyên tham gia các giải thi đấu, chương trình văn hoá văn nghệ do xã và huyện Quốc Oai tổ chức. Nhà văn hoá các thôn cũng là nơi để người dân rèn luyện và tổ chức các chương trình văn hoá văn nghệ nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương. Hàng năm, UBND xã phối hợp với các hội đoàn thể trong xã tổ chức các trò chơi dân gian... Phong trào rèn luyện thể dục thể thao trong nhà trường cũng được quan tâm phát triển, duy trì thường xuyên ngay cả dịp hè”.

a1(1).jpg
Đội văn nghệ thôn Đồng Rằng, xã Đông Xuân biểu diễn tiết mục văn nghệ giới thiệu văn hóa dân tộc Mường trong một sự kiện của địa phương.

“Căn cứ các Quyết định, Nghị quyết, Nghị định, Hướng dẫn của Trung ương, Chính phủ và Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; xã đã lập Đề án xây dựng “Nông thôn mới nâng cao”, mục tiêu đến năm 2028 được công nhận danh hiệu này”, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân chia sẻ.

Đẩy mạnh nếp sống văn minh, truyền thông cộng đồng bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Theo ông Bùi Tiến Linh, xã Đông Xuân những năm qua đã đẩy mạnh thực hiện quy định nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội. Nhiều đám cưới ở xã Đông Xuân những năm trở lại đây chỉ thực hiện các nghi thức truyền thống, không có chuyện thách cưới, tảo hôn. Trong nhiều tiệc cưới hạn chế việc sử dụng rượu bia, thuốc lá; thậm chí có đám cưới khách dự tiệc chúc mừng cô dâu chú rể với… những ly nước ngọt, không mở loa đài to, kéo dài đến khuya gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh.

Di chuyển đến thôn Đồng Rằng – một trong những thôn văn hóa kiểu mẫu về xây dựng đời sống văn hóa của xã Đông Xuân, gặp Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Văn Hiện, ông cho biết, các cấp chính quyền Thành phố Hà Nội đến huyện Quốc Oai từ trước đến nay rất quan tâm, chú trọng chăm lo nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

“Mỗi thôn được chính quyền huyện trao tặng 1 bộ cồng chiêng, các bộ váy áo người Mường cho các bà, các mẹ, các chị mặc trong ngày lễ, ngày hội. Những ngày lễ lớn của đất nước, ngày Tết, các hoạt động vui chơi mang bản sắc văn hoá người Mường như thi ném còn, bắn nỏ, kéo co và nhất là biểu diễn cồng chiêng diễn ra trên toàn xã. Hằng năm, các nghệ nhân dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được chính quyền huyện, xã mời đến dạy thực hành cồng chiêng, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của người Mường tại Đông Xuân”, ông Nguyễn Văn Hiện chia sẻ.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Rằng tự hào cho biết, các hình thức mê tín dị đoan, tập tục lạc hậu không còn ở thôn cũng như địa bàn xã. “Trong việc tang, ở xã không có chuyện bắt tà, trừ ma, nhiều gia đình đã thực hiện hỏa táng người mất. Ở thôn Đồng Rằng, từ lâu chúng tôi khuyến khích các gia đình việc hỏa táng. Thôn chúng tôi có quỹ tang, trước kia vận động mỗi gia đình góp một cân gạo, hiện thay vào bằng tiền 20.000 đồng/hộ. Khi có người mất, thôn sẽ trích một phần trong quỹ chia sẻ với gia đình người đã mất để lo việc hỏa táng”, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết.

a2.jpg
Đại diện Hội LHPN huyện Quốc Oai, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã chụp ảnh lưu niệm cùng "Tổ tuyên truyền cộng đồng" xã Đông Xuân trong lễ ra mắt ngày 29/5/2023.

Đáng chú ý, UBND xã Đông Xuân và Hội LHPN xã Đông Xuân ngày 29/5/2023 đã thành lập “Tổ truyền thông cộng đồng” – mô hình hoạt động trong khuôn khổ Dự án 8 về “Thực hiện Bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề bức thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn huyện Quốc Oai năm 2023.

“Tổ truyền thông cộng đồng” ra đời với 10 thành viên thực hiện tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất, phát triển kinh tế... góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại địa bàn xã.

Theo đánh giá của bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quốc Oai, đây là mô hình hoạt động ý nghĩa, nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quốc Oai nói chung, xã Đông Xuân nói riêng./.

Hoa Quỳnh - Hải Truyền