Cổng làng Nhật Tảo (quận Bắc Từ Liêm)
Cổng làng Nhật Tảo thuộc địa phận phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Trên nóc cổng có chữ “Nhật Tảo” hướng nhìn ra sông Hồng, là cổng mang dáng dấp của các cổng làng thời Bảo Đại (1926 - 1945). Trên cổng có hoa văn, các trụ không có lân phượng.
Tìm hiểu lịch sử làng Nhật Tảo, được biết ngay từ thời Lý - Trần vốn là ruộng công của Nhà nước, có tên là Cảo Điền, đến thế kỷ XIV mới đổi tên là Cảo Xá, sau đổi là Cảo Động, Tảo Động. Và cuối cùng đối là Nhật Tảo như hiện nay.
Làng Nhật Tảo thờ vị Cung Tĩnh, Vương Nguyên Trác, một người dám chống đối Dương Nhật Lễ để cứu nhà Trần. Hội làng mở từ ngày 9 đến ngày 11 tháng hai âm lịch hàng năm.
Bao giờ cho đến tháng hai
Nhật Tảo mở hội cho trai ra đình.
Khi mở hội, làng rước Thánh từ chùa về đình làng rồi tế cổ chạy. Trong hội có thể nấu chè kho và làm bánh dầy bằng nếp cái hoa vàng. Sau cuộc thi, chia cỗ chay và lễ vật đều cho mọi người.
Đông Ngạc là một xã gồm 3 thôn là Đông Ngạc, Liên Ngạc và Nhật Tảo. Thôn Nhật Tảo hiện nay giáp với phường Phú Thượng quận Tây Hồ, có quá trình phát triển khác với hai thôn bạn. Ngay từ thời Lý - Trần, nơi đây là Cảo điền trang. Đến thế kỷ XV thì đổi Cảo điền trang thành Cảo Động còn gọi Tảo Động. Đây là vùng có vết tích các trận chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn khi tiến về Thăng Long.
Đình làng Nhật Tảo thờ Cung Tĩnh vương Trần Nguyên Trác, ông là quan Thái tể đời Trần Minh Tông cùng ba người con mưu sự chống lại Dương Nhật Lễ. Mưu sự không thành, ông và ba con cùng các đồng mưu 18 người đều bị Dương Nhật Lễ giết. Sau khi ông chết, làng Nhật Tảo đã xin triều đình cho được lập miếu thờ.
Cổng làng Nhật Tảo nằm ngay đầu làng, mặt tiền hướng ra phía đông đón nắng sớm, trên nóc cổng có ghi hai chữ Hán là “Nhật Tảo” (buổi sáng trong ngày) và hai đôi câu đối./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01