Danh thắng & Di tích Hà Nội

Cổng làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 28/05/2023 15:44

Cổng làng Ước Lễ thuộc địa phận xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

cong-lang-uoc-le.jpg
Cổng làng Ước Lễ

Làng Ước Lễ thuộc địa phận huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng trên 20km. Cổng làng Ước Lễ, xây dựng từ thời Mạc, là một trong những cổng làng được xây dựng vào loại sớm, đẹp nhất ở Hà Tây (nay là Hà Nội) còn lại đến ngày nay. Cổng nằm ở đầu làng, chiếm một không gian lớn với cây cầu, cổng vòm, tường gạch có kích thước khá lớn. Cổng hình vòm cuốn, mái cong vút, hai cột bên và trên hai mặt đều đắp nổi chữ Hán. Có thể nói, cổng làng Ước Lễ là một công trình kiến trúc đậm chất cổ kính và mang nhiều ý nghĩa đối với không gian văn hóa làng Việt.

Điều đặc biệt ở Ước Lễ, hầu hết các nhà dân ở trong làng có quy mô nhỏ, cổng làng lại có kiến trúc đồ sộ, mang đậm dáng dấp của các kiến trúc: kiến trúc cung điện, dinh thự, kiến trúc lăng mộ, thành trì, kiến trúc tôn giáo như chùa, đình làng… có sự tập trung tài năng, trí tuệ của các nghệ nhân, thợ cả.

Cổng làng Ước Lễ có dáng chung là hình thang, có chiều cao 6m, ngang 12m, được xây bằng gạch chỉ nung đỏ, chất liệu xây dựng, gia cố, làm mái hoàn toàn bằng gạch và bê tông, mang đầy sự bề thế, chắc chắn, thể hiện rõ sự đảm bảo về an toàn như ý nghĩa ngăn chặn kẻ thù ở những cổng thành, và nhờ có những bàn tay tài hoa của người thợ nên dù được làm với chất liệu hiện đại, cổng làng vẫn đậm nét xưa, cổ kính. Giống như một số cổng làng khác, cổng làng Ước Lễ có bốn mảng kiến trúc: vòm cổng, mặt cổng, trụ cổng và mái cổng. Những thành phần kiến trúc này không rời rẽ mà cấu kết với nhau, tạo sự bền vững, hài hòa, có giá trị thẩm mỹ.

Trên mặt trước cổng, đắp nổi ba chữ “Ước Lễ môn” (cổng làng Ước Lễ), mặt sau đắp chữ Thiểu cao đại.

Cổng làng Ước Lễ được xây dựng ở đầu làng, mở lối đi lại trên con đường chính vào làng. Do vậy, thành phần kiến trúc thứ hai, phần rất quan trọng của cổng là vòm cổng (lối cổng). Vòm cổng làng Ước Lễ xây cuốn hình vòm parabol, đây chính là sự phối hợp của hình vuông và hình tròn theo triết lý âm dương của người Việt. Vòm cổng được ghép bằng gạch viên và chít bằng vữa tạo thành vòm cong với đường lượn khéo léo. Trước đây, dưới vòm cổng còn có cửa làm bằng gỗ lim kiên cố, do tuần đinh đóng mở theo giờ quy định. Vòm cổng có tỷ lệ khá đẹp, vừa vặn với tỷ lệ của cả cổng, chiều cao 2,2m, chiều rộng 1,5m. Tỷ lệ này không chỉ hợp với nhu cầu đi lại của người dân mà có tác dụng cản những xe quá lớn vào làng để giữ cho không gian của làng được yên tĩnh và vững bền của các công trình trong làng không bị ảnh hưởng.

Toàn bộ kiến trúc cổng làng Ước Lễ chú ý đến tính biểu tượng, tính ẩn dụ, sự hàm súc, chất điêu khắc trong giải pháp tổ chức kiến trúc nghệ thuật, làm cho công trình từ nội dung đến hình thức như chứa đựng tính triết lý, sức biểu hiện nghệ thuật âm thầm, kín đáo nhưng sâu lắng trí tuệ. Từ tổ chức không gian đến kết cấu chất liệu đơn giản, khúc chiết, hợp lý, cân bằng và hài hòa với đặc điểm sinh thái môi trường, đạt trình độ cao của nguyên tắc xây dựng điển hình. Sau các yếu tố trên cũng còn cần phải nhắc đến các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế, kỹ thuật cũng biến đổi và thích ứng. Thái độ ứng xử trước hoàn cảnh, bảng thang giá trị của con người Việt Nam cũng góp phần quan trọng, tạo nên nét riêng của giá trị truyền thống kiến trúc cổng làng. Với lối nghĩ ấy, mỗi làng sẽ chọn một hình thức cổng làng riêng để khẳng định bản sắc của mình./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)