Chuyển động Hà Nội

Chương trình 06-CTr/TU: Nhiều thành tựu bước đầu quan trọng 

Ly Ly 20:42 25/05/2023

“Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình đã tạo chuyển biến từ thành phố đến cơ sở trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết trong Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU tổ chức vào sáng ngày 25/5 tại Bảo tàng Hà Nội.

1.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.

Nhiều đổi mới, sáng tạo và đem lại hiệu quả thiết thực

Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Chương trình, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận tham gia tích cực của Nhân dân, Chương trình đã đạt được những kết quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong từng năm.

2.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Chương trình là bước cụ thể hóa quan trọng tư duy đổi mới của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, xác định văn hóa và con người không chỉ là mục tiêu, động lực mà còn là nguồn lực mới quan trọng, trực tiếp quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô. Đặc biệt, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", đây là điều kiện thuận lợi, thời cơ để Thành phố khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo sự đột phá trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.

5.jpg
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Đến tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng ghi nhận những thành tựu bước đầu quan trọng trong việc triển khai thực hiện Chương trình số 06/CTr-TU của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô những năm vừa qua, đồng thời bày tỏ mong muốn Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo các cơ quan soạn thảo nghiên cứu sâu sắc những nội hàm về văn hoá và cơ sở về văn hoá để biến đó thành công cụ pháp luật, các điều luật để huy động được các nguồn lực dưới góc độ vừa quản lý, vừa kiến tạo sự phát triển cho lĩnh vực văn hoá, nhất là với một vị trí Thủ đô mang đậm dấu ấn văn hoá, có bề dày về lịch sử và truyền thống và có một kho tàng phong phú đồ sộ về di tích. Đây là những vấn đề cần phải tương thích những bộ luật khác như Luật Di sản Văn hoá sẽ sửa đổi tới đây. Các Luật phải có sự kết nối, liên thông để xây dựng Luật Thủ đô thuận lợi hơn.

“Các nội dung trong Chương trình rất rõ, nhưng cần chú trọng hơn về mặt thể chế. Thời gian tới, Quốc hội sẽ cho phép sửa đổi Luật Thủ đô”, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình, công tác tổ chức quán triệt, triển khai Chương trình 06/CTr-TU được thực hiện nghiêm túc, khoa học, có đổi mới, sáng tạo và đem lại hiệu quả thiết thực. Qua công tác quán triệt, triển khai cho thấy thái độ, tinh thần học tập của cán bộ, đảng viên, hội viên cũng như ý thức trách nhiệm trong việc cụ thể hóa Chương trình ở các cấp được nâng lên rõ rệt. Nhìn chung cấp ủy các cấp, các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Thành ủy đã triển khai, cụ thể hóa thiết thực Chương trình, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nghị quyết quan trọng, thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn xa của Đảng bộ Hà Nội nhằm tạo nên sự đột phá trong phát triển văn hóa, con người Hà Nội; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nguồn lực văn hóa và con người Thủ đô, kết hợp nguồn lực sẵn có, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết XIII của Đảng, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ.

4.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Kết quả của Chương trình 06-CTr/TU đến nay là sự kế thừa từ các chương trình ở các nhiệm kỳ trước và có thêm vấn đề mới do yêu cầu và chỉ đạo mới của Trung ương.  Nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động cụ thể hóa chủ trương, xây dựng mô hình văn hóa sáng tạo, phát huy một cách hiệu quả, đóng góp quan trọng vào phát triển hoạt động dịch vụ, thúc đẩy du lịch phát triển song song với việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bước đầu, Thành phố huy động được các nguồn lực từ xã hội trong phát triển văn hóa, hợp tác quốc tế, công tác thể thao được nâng lên ở tầm cao mới...

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng, đây là kết quả bước đầu và các cấp ngành vẫn chưa có nhận thức toàn diện về triển khai chương trình. Do đó, Ban chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU sẽ kiểm tra trong thời gian tới để thống nhất lại nhận thức và có quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện. Thành phố tiếp tục quan tâm đến vấn đề văn hóa cơ sở; tiếp tục quan tâm thực chất, hiệu quả nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục quan tâm đến vấn đề văn hóa cơ sở, với việc tham mưu cho Thành ủy ban hành một chỉ thị về xây dựng văn hóa con người Hà Nội. Cần quan tâm thực chất, hiệu quả đến chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có 3 nhóm vấn đề về giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức các cấp. Các quận, huyện, thị xã, sở, ngành theo chương trình, đề án được phân công, tiếp tục rà soát, đánh giá, cần có giải pháp cụ thể đối với chương trình 06/CTr-TU.

Phát huy thế mạnh của từng địa phương

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long: Chủ động, sáng tạo trong triển khai

Quận Hoàn Kiếm đã linh hoạt, sáng tạo trong công tác tổ chức tạo điểm tĩnh kết hợp với không gian công cộng với sự cởi mở, thiên về các hoạt động cộng đồng lồng ghép một cách hài hòa với các không gian đi bộ trên địa bàn như không gian đi bộ trong khu bảo tồn cấp I khu Phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian văn hóa đọc phố sách Hà Nội, không gian sáng tạo Phố bích họa Phùng Hưng.

Hoàn Kiếm cũng là quận đầu tiên của Thủ đô xây dựng Phố sách tại phố 19 tháng 12; nơi đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc, một không gian giao lưu văn hóa giới thiệu sách và phát triển văn hóa đọc, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của công chúng và những người yêu sách Thủ đô, góp phần duy trì nét đẹp văn hóa đọc, lan tỏa tình yêu với sách, là điểm đến của những người yêu sách Thủ đô

9.jpg
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh, Nguyễn Văn Cường: Đầu tư, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa.

6.jpg
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh, Nguyễn Văn Cường

Có thể khẳng định sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình, lĩnh vực văn hoá, thể thao có nhiều chuyển biến rõ nét. Cấp ủy và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa. Xác định, văn hóa “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX xác định rõ và được cụ thể hóa bằng Chương trình số 04-CTr/HU về “Phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Đông Anh thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020 – 2025”. Được cụ thể hóa bằng 04 đề án: “Phát triển văn hóa – thể thao huyện Đông Anh giai đoạn 2020-2025”. Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai học tập các nghị quyết của Đảng bài bản, sáng tạo, nghiêm túc như: tổ chức nghiên cứu quán triệt học tập Nghị quyết Đại hội XIII của đảng, học tập nội dung Hội nghị văn hóa toàn quốc của Đảng, Nghị quyết 09-NQ/TU, Nghị quyết 11 của Thành ủy về đầu tư tu bổ tôn tạo di tích; các Nghị quyết số 250 của Huyện ủy về quyết tâm hoàn thành “5 có, 3 không”…

Nghị quyết đã đi vào cuộc sống thể hiện ở kết quả trong nhiều hoạt động văn hoá, thể thao trên địa bàn như: Hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng Nhà văn hóa hiện đại nhất toàn quốc trên diện tích 6,3ha, với 800 chỗ ngồi, đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả. Đầu tư xây dựng và chuẩn bị đưa vào khai thác thiết chế thể thao cấp huyện trên diện tích 33 ha. 10/24 xã thị trấn đã khai thác trung tâm văn hóa, thể thao. Huyện đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đối với nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và trung tâm văn hóa – thể thao các xã, thị trấn…

Chất lượng công tác xây dựng, bình xét các mô hình văn hóa tại cơ sở được nâng lên. Trong 3 năm, huyện luôn đạt và vượt các chỉ tiêu về xây dựng mô hình văn hóa. Dến năm 2022, huyện có 88.499/92.475 = 95,7% số hộ đạt gia đình văn hóa, 153/155 = 98,7% số thôn đạt danh hiệu “Làng Văn hóa”, 40/40=100% số tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố Văn hóa”. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã trở thành nền nếp, tính đến hết năm 2022 toàn huyện có 97,91% người qua đời đi hỏa táng…

Thành uỷ viên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn: Bảo tồn, phát huy văn hóa xứ Đoài gắn với phát triển du lịch và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

7.jpg
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn

Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, Nghị quyết số 09-NQ/TU; chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và UBND Thành phố, với tinh thần chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng và tài nguyên để phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của Thị xã Sơn Tây.

Thị xã Sơn Tây có nhiều di sản, di tích được xếp hạng. Trong đó có nhiều di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Có những di tích được xếp hạng từ rất sớm. Đền Và (Trung Hưng), đền Phùng Hưng (Đường Lâm), đền và lăng Ngô Quyền (Đường Lâm), Chùa Mía (Đường Lâm), được xếp hạng cấp Quốc gia ngay từ năm 1964... Bên cạnh đó, nét đặc sắc của văn hóa Sơn Tây – xứ Đoài thể hiện ở hàng loạt các di sản văn hóa phi vật thể như: lễ hội đền Và (Đông Cung), một lễ hội linh thiêng tôn thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Khai thác giá trị tài nguyên văn hóa không chỉ là những di tích, truyền thống cổ xưa mà theo ý tưởng văn hóa là cái còn lại khi tất cả đã mất đi thì Sơn Tây có không ít những “tài nguyên” dạng này.

Sơn Tây được ví như “bức tranh thu nhỏ” của văn hóa Việt Nam, nhưng lại chứa đựng những nét đặc sắc riêng có không thấy ở bất cứ nơi đâu. Trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài là một kho báu vô giá, tuy nhiên cho đến nay, phần nhiều vẫn còn nằm dưới dạng tiềm năng.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ba Vì, huyện Ba Vì Lăng Văn Hà: Giữ gìn văn hóa ở cơ sở, nhất là nét đẹp văn hóa đặc trưng các vùng đồng bào dân tộc.

8.jpg
Chủ tịch UBND xã Ba Vì, huyện Ba Vì Lăng Văn Hà

Trên cơ sở bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Thành phố và huyện, tình hình thực tế của địa phương, Đảng ủy, chính quyền địa phương xã Ba Vì tập trung nghiên cứu kỹ các chỉ tiêu phấn đấu, xây dựng kế hoạch, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn xã. Sau hơn 2 năm triển khai thực đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực, trong đó nổi bật là lĩnh vực văn hóa. Nếp sống văn hóa tốt đẹp được phát huy, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động văn hoá cơ sở và công tác bảo tồn bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một nâng lên.

Về xây dựng và giữ gìn văn hóa cơ sở, Đảng ủy, UBND xã Ba Vì xác định nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và giữ gìn đời sống văn hóa cơ sở là xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, thôn, xóm, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Đến nay, trên địa bàn xã có trên 90% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 100% các thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa. Tệ nạn xã hội trong các thôn bản giảm hẳn, trật tự an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng cảnh quan môi trường được nhân dân nghiêm túc thực hiện, phong trào “xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” được lan toả khắp các địa phương...

Về công tác giữ gìn nét đẹp văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc, xã Ba Vì chiếm tới 98% đồng bào dân tộc Dao với những nét văn hóa đăc trưng, riêng biệt. Bám sát các nội dung yêu cầu, nhiệm vụ trong chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, trong đó nhấn mạnh nội dung “Xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong sự đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam” trên địa bàn đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc Dao. Đặc biệt là các nghi lễ: tết nhảy, lễ cấp sắc, múa chuông, múa rùa, hội thi tiếng nói và giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào; tổ chức và thành lập các câu lạc bộ, đội bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc về tiếng nói, trang phục...

Với những kết quả đã đạt được trong việc triển khai chương trình 06 - Ctr/TU trong nửa nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố Hà Nội cũng như sự dốc sức chung lòng của các cấp chính quyền; các sở, ban, ngành liên quan; sự đồng thuận ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân; Đảng bộ và chính quyền, nhân dân Thủ đô quyết tâm thực hiện thắng lợi chương trình 06 - CTr/TU - 1 trong 10 chương trình công tác lớn của Đảng bộ Thành phố Hà Nội./.

Ly Ly