Chuyển động Hà Nội

Hà Nội đưa nhiều giải pháp tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Kim Thoa (T/h) 13:13 23/05/2023

Theo thống kê của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), sản lượng tiêu thụ ngày bình quân tháng 5/2023 (tình đến 18/5) là 68.172 triệu kWh, tăng xấp xỉ 10,7% so với tháng 4 (58.336 triệu kWh). Công suất đỉnh (Pmax) được thiết lập lúc 22 giờ ngày 18/5 lên tới 4.546 MW cao nhất trong năm nay.

nhieu-giai-phap-hay-ve-tiet-kiem-dien-tren-dia-ban-thu-do-220221017113604.jpg
Hà Nội đưa nhiều giải pháp tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, năm 2022 Hà Nội có mức tiêu thụ năng lượng đứng đầu toàn quốc (bình thường đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh) và là một thách thức mà Hà Nội phải đối mặt.

Mặt khác, Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung có biểu đồ phụ tải phức tạp hơn rất nhiều so với từ miền Nam Trung Bộ trở vào. Do đó, vấn đề cân đối nguồn điện, vấn đề sử dụng năng lượng và sử dụng điện cũng phức tạp.

“Ngay từ lúc đầu, Sở Công Thương đã đặt ra bài toán phải đầu tư phát triển nguồn điện để đảm bảo cấp điện cho phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và cho người dân,” ông Thắng nêu ý kiến.

Chính vì vậy, để giảm tải cho việc cung ứng điện, ông Nguyễn Đình Thắng cho biết Hà Nội đã dẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Cụ thể hơn, trong năm 2023, Sở Công Thương đặt mục tiêu tiết kiệm từ 1,7-2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn thành phố, đồng thời đặt mục tiêu 65% doanh nghiệp phụ tải trọng điểm có cam kết sử dụng tiết giảm theo biểu đồ mà ngành điện đã xây dựng lên để đạt được mong muốn của thành phố.

Tại Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã có những sẻ chia, kiến nghị đảm bảo nguồn cung an ninh năng lượng, cụ thể tiết kiệm điện trong mùa cao điểm…

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, ngay từ đầu năm 2023 UBND TP Hà Nội sớm ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ trên địa bàn.

Năm 2023, Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm từ 1,7 - 2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn thành phố; 65% doanh nghiệp phụ tải trọng điểm có cam kết sử dụng tiết giảm theo biểu đồ ngành điện xây dựng; vận động 75% doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp thay đổi dần các công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng bằng các công nghệ mới đem lại sản phẩm tốt hơn và dùng năng lượng ít hơn.

Thành phố cũng tiếp tục chú trọng tập huấn, xây dựng các cơ sở sản xuất đạt chứng chỉ hệ thống quản lý năng lượng, xây dựng 55 cơ sở sử dụng năng lượng xanh. Với sự tập huấn, hướng dẫn của Bộ Công Thương, hiện nay qua kiểm tra hơn 193 doanh nghiệp trọng điểm đạt chứng chỉ có hệ thống quản lý năng lượng cơ bản các doanh nghiệp đã biết xây dựng kế hoạch, đã có cán bộ quản lý năng lượng. Năm 2023 Thành phố đặt chỉ tiêu xây dựng, hoàn thành 55 cơ sở sử dụng năng lượng xanh, cao hơn số lượng hơn 30 cơ sở của năm 2022, với các quy định, tiêu chí để lựa chọn được các cơ sở gồm nhiều mảng như tòa nhà công nghiệp, văn phòng…

Hà Nội cũng xây dựng các sổ tay, hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng các chương trình tập huấn trực tiếp tại 30 quận, huyện về các mô hình, các cách sử dụng năng lượng tiết kiệm và tiết kiệm điện.

Trong năm nay, Thành phố dự kiến tổ chức khoảng 1.000 lớp tập huấn đến tận phường và tổ dân phố để có thể trực tiếp tuyên truyền, vận động người sử dụng điện, năng lượng tại các hộ gia đình. Đồng thời phối hợp với các cơ quan và ngành Giáo dục chung tay đưa mô hình tiết kiệm năng lượng vào các trường học ngay từ bậc Tiểu học để tuyên truyền, tạo thành ý thức ngay từ sớm và lâu dài trong mỗi người dân về sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm.

Một giải pháp khác rất phù hợp và hiệu quả đối với Hà Nội trong những thời điểm nắng nóng như thế này là việc sử dụng điện mặt trời áp mái.

Ngành điện đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị chủ động thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền tiết kiệm điện với các đối tượng khách hàng sử dụng điện… Kết quả, theo báo cáo của EVNHANOI, sản lượng điện tiết kiệm được là 3.955.084 kWh; Quá trình triển khai các giải pháp vận hành cung ứng điện, EVN HANOI đã nhận được sự chung tay đồng hành của các cấp các ngành Thành phố và sự quan tâm phối hợp tích cực của các khách hàng sử dụng điện.

Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng, trường học tiết giảm điện được 133.756 kWh; doanh nghiệp sản xuất đã tiết giảm điện được 769.104kWh; hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị tiết giảm được 103.737 kWh; hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí tiết giảm điện được 44.013 kWh.

Tuy nhiên, việc ngừng giảm cung cấp điện đã dẫn đến những khó khăn nhất định cho cuộc sống sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh của người dân. Vì vậy, yêu cầu về sử dụng điện tiết kiệm đã trở nên cấp thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.

Trước tình hình thực tế, ông Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị, đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN ưu tiên hơn nữa nguồn nhân vật lực, vốn đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện cho thành phố; xây dựng các phương án và giải pháp đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho Thủ đô Hà Nội.

Thứ hai, Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đôn đốc, hướng dẫn EVN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình điện mang tính chất liên kết, hỗ trợ cấp điện cho Thủ đô.

Thứ ba, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành quy định mới hướng dẫn về giá điện mặt trời. Qua đó, tạo điều kiện nhằm thúc đẩy việc đầu tư và ứng dụng điện mặt trời mái nhà, kịp thời huy động các nguồn điện tại chỗ, có khả năng khai thác được ngay trên địa bàn Thành phố qua đó giảm bớt áp lực lên hệ thống truyền tải và phân phối điện Quốc gia.  

Kim Thoa (T/h)