Đình Thanh Dương (huyện Ứng Hòa)
Đình Thanh Dương thuộc xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Đình Thanh Dương còn có tên gọi là đình Giang.
Đình thờ Thành hoàng làng là Lê Hoàn (941 - 1005) đã chỉ huy quân đội đánh thắng quân Tống xâm lược nước ta năm 981. Trước đó, năm 980 ông đã lên ngôi vua và vẫn đóng đô ở Hoa Lư như thời Đinh Tiên Hoàng. Đình quay hướng nam kết cấu kiểu chữ “đinh”, nhìn thẳng ra đê sông Đáy, sau đình có chùa tạo thế “tiền Thánh hậu Phật”, lại có hồ và dòng sông Đáy để làm mạch lưu thuỷ lưu phúc.
Đại bái đình 3 gian 2 chái dựng vào năm Giáp Thìn (năm 1844) thời vua Thiệu Trị, nhà Nguyễn. Các bộ vì được làm theo một kiểu thức “giá chiêng chồng rường con nhị”, nhưng trụ trốn và rường cụt được làm từ một thân gỗ, các con rường về cơ bản khá vuông vức, ở các đầu chạm nổi vân xoắn kết hợp với lá cúc cách điệu. Quá giang ăn mộng vào đầu cột cái không có đấu đỡ, đây là phong cách kiến trúc thế kỷ XVIII trở về sau. Chạm khắc trên kiến trúc chủ yếu tại các đầu dư, con rường, 4 bộ cốn gian giữa, 4 bộ cốn đầu rường, bẩy. Đáng chú ý là một đầu dư bên trái gian giữa mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Cảnh Hưng (1740 - 1786) có mảng chạm rồng đuôi nheo. Các mặt trong của cốn chạm nổi, bong kênh và kín. Trong hình thức chạm đầu rồng rồi gắn vào các bức cốn chạm vân xoắn cách điệu. Tại cốn đầu đốc chạm khắc đơn giản hơn với vân xoắn và lá cúc cách điệu. Tại đầu đốc, các bộ phận kiến trúc mở khá rộng vì trụ trốn và cốn đốc đứng khá xa cột cái và bốn kẻ só chạy từ nóc mái chui qua một cột trốn để tạo hình chim phượng mở quặt chầu vào bên trong.
Phần Trung cung và Hậu cung có những bộ vì chạm hổ phù. Trên nóc Trung cung có bức hoành phi đề: “Tiền Lê đại hoàng đế”, chính là sự đề cao vua Lê Đại Hành, miếu hiệu của Lê Hoàn. Trong Hậu cung còn có ngai thờ và bài vị lớn cùng với bát bửu, kiệu bát cống.
Đình Thanh Dương đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01