Đình Tân Khai (quận Hoàn Kiếm)
Đình Tân Khai còn được gọi là đình Thái Cam, hiện toạ lạc ở số nhà 44 phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trước đây, di tích thuộc thôn Tân Khai, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Theo văn bia thì đình Tân Khai được dựng vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), cùng với thời điểm dựng chùa Thái Cam.
Đình Tân Khai thờ 3 vị Thành hoàng là thần Tô Lịch, thần Bạch Mã và thần Thiết Lâm. Đây là những vị Thành hoàng của kinh đô Thăng Long đã có công giúp vua Lý Công Uẩn xây dựng kinh thành, và đã trở thành những vị thần bảo hộ cho kinh đô. Sự tích của các vị thần đã được ghi trong nhiều tài liệu, gồm các sách chính sử, dã sử, các truyền thuyết dân gian. Có thể được tóm tắt như sau:
Vị thần đầu tiên phải kể đến, là thần Tô Lịch. Ngài được hình thành trong bối cảnh khởi dựng thành Đại La xưa và được phong là “Bảo Quốc, Định Bang Quốc Đô Thành hoàng Đại Vương” là vị Thành hoàng đầu tiên ở nước ta được hai viên quan đô hộ nhà Đường là Lý Nguyên Hỷ (Gia) và Cao Biền phong theo đúng tiêu chuẩn Bắc phương, do nghĩa: “Thành” là cái thành, “Hoàng” là cái hào khô bao quanh thành, Thành hoàng là vị thần bảo vệ thành luỹ.
Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long lại phong cho Tô Lịch làm: “Quốc Đô Thăng Long Thành hoàng Đại Vương”. Vị thần thứ hai được thờ là thần Bạch Mã (còn gọi là thần Long Đỗ) hiệu là “Long Đỗ thần quân quảng lợi Bạch Mã đại vương”. Thần được thờ ở đền Bạch Mã - số 76 Hàng Buồm.
Vị thần thứ ba được thờ trong đình là thần Thiết Lâm (thần rừng lim), tương truyền đây là vị thần của vùng hồ Tây. Về nguồn gốc xuất xứ của vị thần này, hiện nay không có tài liệu nào ghi chép, song có thể thấy việc thờ thần Thiết Lâm ở đình Tân Khai có lẽ bắt nguồn từ tín ngưỡng nguyên thuỷ cổ xưa của người Việt trong việc tôn sùng các lực lượng thiên nhiên làm thần (như thần cây đa, thần cây gạo...).
Như vậy, các vị thần được thờ trong đình Tân Khai đều là những vị thần có gốc gác ở Thăng Long và gắn với Thăng Long từ buổi đầu khởi dựng kinh đô. Tiểu sử của các vị thần này là sự biểu hiện của tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước và hùng khí của quê hương. Thần Tô Lịch cũng như thần Long Đỗ đều bị Cao Biền yểm trấn nhưng rồi không thành, chính Biền cũng đã phải thú nhận: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”. Trong đình hiện còn các đôi câu đối nói lên sự uy phong của các vị thần như:
“Đan giá tự thiên lai, thành quách dĩ tiền khai Lý Đế Nhất thành tòng địa phận, sơn hà y kỵ kiểu Cao Thương” Tạm dịch:
“Ngự từ trên trời xuống, thành này đã mở ra từ trước thời Lý Một tiếng dậy đất sơn hà, vững chãi như cũ mà cười Cao Biền”
Hay:
“Kim giản đằng không vượng khí quang hàn Nùng Lĩnh nguyệt Đông phùng định toái linh thánh trường thẳm nhị giang phong”
Tạm dịch:
“Từ trên vượng khí làm sáng rực núi Nùng núi Lĩnh như mặt trăng Cùng phù trợ cuộc đời tiếng linh thiêng dài như dòng sông Nhị”
Đình Tân Khai tuy ra đời vào thế kỷ XIX, song trong tâm thức của người dân Hà Nội thì thần Tô Lịch, Bạch Mã, Thiết Lâm vẫn là những vị Thành hoàng tối thượng bảo vệ cho kinh đô Thăng Long, muôn đời được thờ cúng.
Đình Tân Khai đã được Bộ Văn hoá và Thông tin ra xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01