Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Sọ (huyện Sóc Sơn)

Sơn Dương (t/h) 19/05/2023 11:58

Đền Sọ thuộc xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

den-so-huyen-soc-son-.jpg
Đền Sọ

Đền Sọ thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương, hiện thuộc xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Di tích này do 3 tổng Phù Xá, Xuân Nộn, Phù Lỗ cùng chung lo việc thờ cúng và tổ chức lễ hội. Do vậy đền còn được gọi là đền Tam tổng hay đền Tam tổng - Phù Lỗ, Vùng đất nơi đây đã sớm hình thành quần cư được mang tên Kẻ Sọ, tên nôm gọi là Sổ, đầu công nguyên thuộc tổng Vũ Ninh, huyện Phong Châu. Thời Lý, nơi đây gọi là Thiên Đức, sang thời Lê thuộc huyện Đông Ngàn của đạo, lộ, trấn Kinh Bắc. Thời Nguyễn, Phù Lỗ thuộc huyện Kim Hoa, sau đổi thành Kim Anh. Năm 1903 - 1905, có tỉnh Phù Lỗ, lấy Phù Lỗ là tỉnh lỵ, sau đó chuyển thành tỉnh Phúc Yên, mới chuyển đi nơi khác. Năm 1950, tỉnh Phúc Yên sát nhập thành tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1968 thành tỉnh Vĩnh Phúc, năm 1977 huyện Kim Anh (có Phù Lỗ), sáp nhập cùng Đa Phúc thành huyện Sóc Sơn, năm 1978 huyện Sóc Sơn nhập về Hà Nội. Đền Phù Lỗ rất gần ngã ba Phù Lỗ, giao điểm của Quốc lộ III và Quốc lộ II, một đầu mối giao thông đường bộ quan trọng ở phía bắc Thủ đô.

Theo truyền tích, dã sử câu chuyện cậu bé làng Gióng vươn mình đứng dậy giúp nước đánh tan giặc Ấn vào thời Hùng Vương thứ 6. Cậu bé Gióng đã được truy phong là Phù Đổng Thiên Vương. Nơi Thánh cưỡi ngựa về trời sau khi dẹp giặc hiện nay là đền Sóc Sơn - xã Phù Linh - huyện Sóc Sơn. Theo truyền tích, đền Sọ là nơi Thánh Gióng trên đường đi đánh giặc đã dừng chân gội đầu, nghỉ lại tại đây. Câu chuyện Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương là truyền tích lịch sử có nhiều giai thoại, có sự thần thoại hoá lịch sử để lại cho đất nước ta một hình tượng anh hùng văn hoá - “tứ bất tử”.

Hồ Chủ tịch có nhận xét:

“Thiếu niên ta rất anh tài. Trẻ như Phù Đổng tiếng vang muôn đời. Tuổi tuy chưa đến chín, mười. Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương”.

Thi hào Nguyễn Du cũng từng có câu đối:

“Trời sinh người Thánh trừ giặc Bắc. Đất nhớ chuyện thần giữ nước Nam”.

Hiện ở đền còn có giếng, tương truyền là nơi Thánh đã gội đầu.

Giếng, đền là những dấu tích lịch sử phản ảnh ghi nhận về hình tượng người anh hùng bất tử của dân tộc. Trải qua thời gian của kháng chiến, kiến trúc đền Sọ đã có lúc là một phế tích. Sau này, đền được phục dựng lại để bảo quản, các cổ vật được nhân dân cất giữ thời gian trước. Trong các cổ vật của đền rất lưu ý có một tấm bia đá ghi nhận rõ về việc 54 xã trong Tam tổng phụng thờ Phù Đổng Thiên Vương. Giếng đền là một di tích cổ được giữ lại và tu bổ tôn tạo thêm. Với những giá trị như vậy, đền Sọ - Phù Lỗ đã được công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Đền Sọ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch kiến trúc nghệ thuật năm 1997./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)