Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Sái và hội rước vua (huyện Gia Lâm)

Sơn Dương (t/h) 19/05/2023 09:53

Đền Sái và hội rước vua thuộc xã  Thụy Lâm, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

den-sai-va-hoi-ruoc-vua-huyen-gia-lam-.jpg
Đền Sái

Đền Sái ở xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, cách khu di tích Cổ Loa khoảng 5km theo đường chim bay về hướng bắc. Đền nằm trên ngọn núi có nhiều tên gọi: núi Sái, núi Vũ Đương, núi Rùa Mẹ. Đền Sái là di tích gắn liền với việc vua Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Tương truyền vua xây thành cứ ngày đắp đêm lại bị đổ, mãi không thành, vì bị yêu ma Bạch Kê tinh (tinh gà trắng) phá hoại.

Tinh gà trắng ban ngày trú ẩn ở núi Thất Diệu, ban đêm lại xuất hiện. Vua không biết tìm cách nào để trừ khử, bèn làm đài cầu khấn, liền được Huyền Thiên Trấn Vũ sai thần Kim Quy hiện ra mách bảo kế chém giết tinh gà trắng nên thành ốc mới xây xong. Tưởng nhớ công đức của Huyền Thiên, vua đã cho xây đền ở đỉnh núi Thất Diệu để thờ, đền này được gọi là đền Sái. Đây cũng là nơi Huyền Thiên đã tu luyện và cũng được gọi là Vũ Đương Sơn. Vua Thục hàng năm thường đến bái yết, quan quân từ Cổ Loa kéo đến, sau khi làm lễ tượng trưng cho việc giết Bạch Kê tinh, lại trở về kinh đô. Lý Thái Tổ sau khi dời đô ra Thăng Long đã đến núi Sái cầu Huyền Thiên và sinh được hoàng tử. Thấy công đức của Huyền Thiên rất to lớn nên vua đã cho xây đền Trấn Vũ ở phía bắc kinh thành, rước Huyền Thiên về thờ ở đó và thần được coi là thần trấn ngự phía bắc của “Thăng Long tứ trấn” (đền Quán Thánh). Khi nhà Lý chống quân Tống xâm lược thì thần Huyền Thiên Trấn Vũ được thờ ở đền Sái đã hiện ra hỗ trợ trên sông Như Nguyệt làm cho quân Tống phải khiếp sợ.

Sử sách còn cho thấy nhiều đời vua đã đến đền, dâng hương, mà dấu tích còn lại là bài minh của Lý Thái Tổ ghi niên hiệu Thuận Thiên thứ hai (1011) còn được sao chép lại.

Đền Sái được xây dựng trên một quả đồi cao giữa đồng, gồm nhiều công trình, quay mặt về hướng nam trên nhiều mặt bằng theo chiều thoải dần của sườn đồi. Từ dưới đi lên phải qua 25 bậc thềm đá. Tiếp đến gác chuông là một nhà 3 gian, 2 chái, sau Gác chuông nhà Tiền tế, Tiền đường, Hậu cung. Dấu vết kiến trúc thời Lý, Trần không còn. Những công trình này có thể đều được xây dựng vào thời cuối Lê đầu Nguyễn. Đền có nhiều đồ thờ cổ, tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ bằng thổ sơn son thếp vàng, ngồi tĩnh tại, chân đế có chạm các hình rùa và rắn, phía sau có 2 tượng phụ mẫu. Đền Sái còn gồm các dấu tích liên quan đến Huyền Thiên Trấn Vũ như “mã đề tiên tích” (vết chân của ngựa tiên), “Tiên tỉnh” (giếng Tiên), “tiên trì” (ao tiên). Đền toạ lạc trên một quả đồi, xung quanh có rừng cây xanh tốt, cảnh quan đó giúp thêm cho vẻ tôn nghiêm của nơi thờ thần.

Ở phía đông của đền, trên một quả đồi nhỏ, tên gọi là Châu Lai, có đền Thượng thờ Cao Sơn đại vương, là con của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Cách đền vài trăm mét có một gò đất được gọi là Mô vọng bái, là nơi để vua làm lễ bái vọng về đền trong lễ hội hàng năm. Trong thôn có đình Nhội, tương truyền đình này làm trên đất hành cung của vua Thục khi vua về làm lễ bái yết Huyền Thiên, do đó ngôi đình này không thờ Thành hoàng làng.

Đền Sái còn bảo lưu được nhiều di vật, đồ thờ, đặc biệt là cây hương đá làm vào năm Chính Hoà, thời Lê và các viên gạch lát vân rồng của thời Lê. Tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ ở đền Sái rất phong phú, đa dạng thuộc nhiều thể loại khác nhau ghi trên gỗ, đá như hoành phi, câu đối, bia đá... Trong số các bia cổ có một tấm khá cổ tuy bị mờ nhiều chữ nhưng vẫn còn được niên đại của bia là đời Mạc Hưng Trị thứ 3 (năm 1590) cách đây hơn 400 năm. Trong nội dung bia có ghi đến tên của đền Sái khi đó gọi là “quán Chân Linh”. Nội dung bia cho thêm tư liệu về lịch sử cổ xưa của đền, đồng thời khẳng định tính chất Đạo quán của di tích này. Tượng thờ Huyền Thiên là tượng thổ, nhưng to lớn, bề thế, cao tới hơn 2m. Tượng ở tư thế ngồi tĩnh tại mà chân đế có chạm hình quy xá. Đền Sái có cả dấu tích thần thoại như “ Mã đề tiên tích” (Vết chân ngựa), tương truyền ngựa của Đức Thánh. Sau đền có “Tiên tỉnh” (giếng Tiên) nước không sâu nhưng không bao giờ cạn. Trước Tam quan có “Tiên trì” (ao Tiên).

Đền Sái, đền Thượng, đình Nhội là tổng thể một cụm di tích có liên quan mật thiết với nhau về sự kiện, truyền tích và lễ hội. Hiện nay, di tích còn duy trì được một lễ hội gọi là “Hội rước vua”. Hội rước vua ở đền Sái được tổ chức vào ngày 11 tháng giêng hàng năm.

Lễ hội rước vua kéo dài gần hết một ngày, nhằm diễn lại tích vua Thục cùng chúa (Thanh Giang sứ) giao thành cho quan trấn vũ, rồi đến đền Sái cầu Huyền Thiên Trấn Vũ và diệt trừ được tinh gà trắng. Buổi sáng ở đình còn tổ chức hát cửa đình và hát tuồng. Ngày sau còn các trò vui chơi khác như vật, chọi gà, cờ tướng... Dân làng là người dự hội và rước lễ cũng đồng thời là người xem hội, do đó lễ hội có tính chất quần chúng rộng rãi. Lễ hội có ý nghĩa lịch sử, biểu thị tinh thần ngưỡng mộ, biết ơn tiền nhân đã có công với nước với dân.

Đền Sái còn có dâng lễ vào ngày đản sinh thánh mồng 2 tháng ba, ngày thánh hoá mồng 9 tháng chín. Rất đông khách xa gần đến viếng lễ, tham quan.

Cụm di tích đền Sái là địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn, đặc biệt là tuyến thăm khu di tích Cổ Loa - đền Sái... trên đất Đông Anh của thủ đô Hà Nội.

Đền Sái đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1986./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)