Đình Sài Đồng (quận Long Biên)
Đình Sài Đồng thuộc phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội.
Đình Sài Đồng vốn thuộc xã Gia Thuỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Nhân dân thường gọi là đình Sài. Sài Đồng xưa thuộc xã Cự Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, đến năm 1889 đổi tên thành xã Sài Đồng thuộc tổng Cự Linh, sau đổi thành xã Gia Thuỵ ở phía đông Quốc lộ 5. Từ năm 2003 đình Sài Đồng thuộc phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Theo cuốn Học phả cổ lục nguyên bản chữ Hán do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn cho biết, đình Sài Đồng, thờ Linh Lang đại vương thời Lý.
Đình Sài Đồng hiện đang lưu giữ 12 đạo sắc phong, tiêu biểu là các sắc đời Cảnh hưng thứ 44 (1783), Quang Trung thứ 4 (1792), Cảnh Thịnh thứ nhất (1793)...; nhiều hoành phi, câu đối có giá trị ca ngợi danh nghiệp, công đức của vị Thần hoàng; bức đại tự “Thiên Nam tôn linh từ” (đền thiêng của trời Nam).
Đình Sài Đồng ngoảnh về hướng nam. Trước cửa có “Long tỉnh” (giếng Rồng) mang hình thức tụ thuỷ theo thuyết phong thuỷ của người xưa, nơi lấy nước thờ cúng và nước ăn của dân làng. Phía trong sân là toà Đại đình gồm 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, nội thất 4 hàng chân, mái lợp ngói vẩy hến, giữa bờ nóc trang trí hình 2 nghê chầu, giữa đắp nổi hổ phù với 2 tay khuỳnh ra hai bên, nền lát gạch Bát Tràng cổ. Gắn với kiến trúc của Đại đình còn bức đại tự lồng trong cửa võng với 3 chữ Tối linh từ (đền rất thiêng). Toà Hậu cung được làm sát với Đại đình tạo thành kiến trúc tổng thể theo kiểu chữ “đinh”. Trên bệ thờ là ngai, bài vị thờ Thần hoàng Linh Lang đại vương. Trong đình hiện còn nhiều đồ thờ mang giá trị nghệ thuật cao, đáng lưu tâm là 2 bát bửu chạm khắc hình rắn, 9 chiếc đài bằng đồng, bên trong đặt 9 chiếc chén bằng bạc thật, “quán tẩy”, hạc rùa, lư hương, chuông đồng, tượng phỗng bằng gỗ trông khá sinh động.
Đình Sài Đồng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01