Hoạt động hội

“Văn nghệ sĩ Thủ đô phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Người, lấy đó là kim chỉ nam soi rọi cho hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật…”

Thụy Phương 19/05/2023 14:38

Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc”, sáng ngày 19/5, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Văn nghệ sĩ Thủ đô học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sáng tác văn học nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay”.

Các ý kiến tham luận tại tọa đàm góp phần làm sáng tỏ những quan tư tưởng của Người về văn học nghệ thuật đồng thời đặt ra nhiều vấn đề về trách nhiệm của văn học nghệ thuật nói chung của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô nói riêng.

Ánh sáng soi đường

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho nền văn nghệ cách mạng, có công gây dựng một nền văn nghệ mới. Những tư tưởng, định hướng, chỉ bảo tận tình của Bác đối với những người làm công tác văn hóa văn nghệ, đặc biệt là các văn nghệ sĩ là ánh sáng soi đường cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước ta. 

toa-dam.jpg
NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, lớp lớp văn nghệ sĩ chiến sĩ hăng hái tham gia vào sự nghiệp cách mạng, dùng ngòi bút của mình phục vụ cho cách mạng một cách tận tụy, hết mình. Nhiều văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp đã lăn lộn ở chiến trường, tham gia các chiến dịch Thu đông, Việt Bắc, Biên giới, Điện Biên Phủ…

Theo họa sĩ, nhà báo Khánh Châm (Hội Mỹ thuật Hà Nội),  tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật có giá trị to lớn, góp phần bổ sung tư tưởng văn hóa văn nghệ của dân tộc. Đồng thời định hướng cho Đảng ta hoạch định về đường lối văn hoá văn nghệ. Tư tưởng của Người đã góp phần tạo ra một nền văn nghệ quần chúng, vì nhân dân phục vụ... Mặc dù không phải là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, bản thân Người là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, hoạ sĩ… vĩ đại, là tấm gương sáng cho các văn nghệ sĩ học tập và làm theo.

“Nền kinh tế phát triển, trình độ dân trí tăng lên, tất yếu nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ sản phẩm trí tuệ nói chung cũng tăng theo. Các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật theo đó cũng trở nên đa dạng với nhiều loại hình, sản phẩm sáng tạo mới, kể cả du nhập, đa sắc, đa chiều và giàu cảm xúc. Thế nhưng, ở bất cứ thời kỳ nào thì hình ảnh và lời dạy, lời văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị”, nhà văn Bùi Việt Mỹ (Hội Nhà văn Hà Nội) nhận định.

Phải thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Người

Tư tưởng đạo đức phong cách của Người là tài sản vô giá của Đảng, của nhân dân ta. Theo NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. 

toa-dam-2.jpg
Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ.

“Đội ngũ văn nghệ sĩ Hà Nội hơn bao giờ hết phải nâng cao trách nhiệm sáng tác, phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, luôn luôn học hỏi những cái tốt, cái hay trong xã hội để hoàn thiện thêm cho bản thân mình nhất là phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Người, lấy đó là kim chỉ nam soi rọi cho từng suy nghĩ và hành động hằng ngày; phải biết dùng ngòi bút của mình để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tươi đẹp hơn; phải biết chống lại cái xấu, cái ác, phản ánh những tiêu cực, bất công…”, NSND Quốc Chiêm nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu LLPB nhiếp ảnh Vũ Huyến cho rằng học tập và sáng tạo theo lời Bác còn là sự học tập các tấm gương hy sinh vì sự nghiệp lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cán bộ ưu tú khác của Đảng, của các “con cháu Bác Hồ” trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Và thực chất, đây cũng là các nhân vật, đối tượng chính của văn học nghệ thuật. Trong nhiệm vụ ấy nhân cách, trách nhiệm của giới nghệ sĩ với tư cách là “nhà văn hóa”, “chiến sĩ văn nghệ” lại càng trở nên quan trọng”.

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc (Hội Sân khấu Hà Nội), đất nước bước vào cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, đạo đức người nghệ sĩ Thủ đô có nhiều biến động mạnh mẽ theo xu hướng “thị trường đơn thuần”, văn nghệ Thủ đô chưa có nhiều tác phẩm “xứng đáng với dân tộc và thời đại”. Nói cách khác, một bộ phận văn nghệ sĩ, tác giả trẻ hiện nay chưa thật sự thấm nhuần và học tập được tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong sáng tác.

"Chúng ta xác định, học tập và làm theo Bác chính là phải kiên định phát triển nội dung Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng, các Nghị quyết về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật của Đảng và nội dung di chúc của Người", nhà văn Bùi Việt Mỹ nêu quan điểm.

“Để việc học tập và làm theo Bác thật sự có chiều sâu, lâu dài trên diện rộng và đặc biệt không mang tính hình thức, người nghệ sĩ cần xác định vai trò - nhiệm vụ của mình trong hoạt động văn học, nghệ thuật. Văn nghệ sĩ Thủ đô cần nghiêm túc lao động sáng tạo và có những quan tâm đặc biệt trong hoạt động, sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật”, NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh./.

 

Thụy Phương