Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Quang Húc (huyện Ba Vì)

Sơn Dương (t/h) 16/05/2023 18:40

Đình Quang Húc thuộc xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Đình Quang Húc là tên gọi theo tên làng. Ngoài ra, di tích còn có tên là đình Bôm theo tên Hán Nôm cổ.

dinh-quang-huc.jpg
Đình Quang Húc

Đình nằm ở phía tây, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 50km. Đình toạ lạc trên một khu đất rộng trong khu vực cư trú của làng, nhìn về hướng đông bắc và có nhiều cây cối cổ thụ bao quanh.

Các tư liệu ghi chép về đình làng và qua hàng cột trụ đá dựng năm Chính Hoà thứ 13 (1692) hiện đặt tại gian giữa đình làng, thì đình Quang Húc có niên đại thế kỷ XVII.

Những tư liệu truyền thuyết, sắc phong, thần phả cho biết: đình Quang Húc thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị phúc thần đệ nhất trong hệ thống “tứ bất tử” của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam. Thần có tên là Nguyễn Tuấn, là người khôi ngô, tuấn tú, lại hiếu thuận với cha mẹ. Chàng được Thái bạch Thần tinh ban cho linh trượng để chữa bệnh, cứu dân. Chàng đã cứu giúp Long thần, diệt thú dữ, được mọi người kính phục. Trong cuộc thi tài với Thuỷ Tinh, chàng đã được chọn làm phò mã của vua Hùng Duệ Vương. Tức giận vì không lấy được Mỵ Nương, Thuỷ Tinh vây đánh Sơn Tinh. Với sự ủng hộ của nhân dân, Tản Viên Sơn Thánh đã đẩy lùi lũ lụt, tai ương. Thần lại phò giúp triều Hùng nhiều lần đánh giặc ngoại xâm từ phương Bắc. Do nhiều công tích, thần đã được lập đền, đình thờ ở khắp nơi vùng xứ Đoài.

Về kiến trúc, đình Quang Húc hiện nay gồm Nghi môn và Đại đình. Nghi môn được xây trụ biểu đồ sộ với ba lối đi. Đại đình hình chữ “nhất”, hướng về phía tây bắc, quy mô bề thế. Ngoài ra 3 gian 2 dĩ với 4 lá mái chảy rộng, 4 bộ vì chính được làm thống nhất “thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên”, 6 hàng cột, 4 góc mái là các đạo cong bay bổng. Các góc đao, đầu bờ nóc, bờ dải đắp những đầu rồng, lân, kìm sống động quay đầu về nóc mái.

Nghệ thuật điêu khắc trang trí trên kiến trúc đình Quang Húc được thể hiện rõ nét qua các mảng chạm khắc trên bộ khung nhà, các khối tượng tròn. Các bức chạm theo các đề tài tiên nữ, ngựa, voi, tứ linh hoặc các cảnh sinh hoạt của con người hoà nhập với nhau vào một tổng thể chung thống nhất, hoàn chỉnh. Với những đường chạm mạch lạc, những nghệ nhân xưa đã để lại cho hậu thế một di sản độc đáo và sáng giá, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam thế kỷ XVII - XIX.

Cùng với quy mô bề thế của kiến trúc, các giá trị văn hoá lịch sử còn được thể hiện qua hệ thống di vật còn được lưu giữu tại đình: 7 sắc phong thần của các vua nhà Nguyễn, các câu đối, một đôi hạc gỗ thế kỷ XVIII, 2 bộ kiệu, 3 bát hương gốm men thế kỷ XVIII, 2 bia đá, 1 cột trụ đá xám, 1 long ngai gỗ và 1 hương án gỗ niên đại thế kỷ XIX.

Đình Quang Húc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)