Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phương Quế (huyện Thường Tín)

Sơn Dương (t/h) 16/05/2023 17:48

Đình Phương Quế thuộc xã Liên Phương, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Đình ở giữa làng Phương Quế gần chợ Xép và bên bờ sông. Đình bao gồm: Nghi môn, Đại bái, Tả hữu hành lang, Trung cung và Hậu cung. Nghi môn đình là một công trình đồ sộ gồm ba lối đi chính. Lối đi chính được người xưa thiết kế rất thông thoáng và thiên về độ cao. Sườn nách hai lối bên có cầu thang xây gạch để lên tầng trên, rất giống kiến trúc cửa Ngọ Môn (Cố đô Huế). Giữa tầng dưới và tầng trên tiền nhân đã để một khoảng rộng dùng để trang trí các tích cổ. Tầng trên gồm ba gian riêng biệt, các gian đều trổ cửa. Tổng thể Nghi môn có 12 trụ biểu lớn nhỏ. Bước qua Nghi môn là khoảng sân lát gạch tới bậc tam cấp là tới toà Đại bái. Nhìn từ ngoài, Đại bái đình Phương Quế gồm 5 gian 2 chái. Mái lợp ngói ri, hai đầu hồi xây bít đốc, bờ chảy xây giật cấp. Vào bên trong, Đại bái có kết cấu 4 hàng chân cột. Các bộ vì được kết cấu theo kiểu thức “giá chiêng kẻ suốt”. Gian giữa toà Đại bái bài trí hoành phi, câu đối, nhang án và các đồ thờ tự. Hoành phi được chia thành 4 ô, viền các ô này có chạm rồng, trên mỗi ô có ghi chữ Hán: “Thánh cung thọ vạn tuể” cùng các câu đối để ca ngợi công đức của Thành hoàng làng. Bên trên là một cửa võng có niên đại thế kỉ XVII. Đặc biệt, người nghệ sĩ dân gian xưa đã dùng bàn tay tài hoa của mình để tạo nên các mảng chạm trang trí trên đầu dư, các bức cốn, bảy hiện. Các mảng chạm này có niên đại trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn. Tiếp sau Đại bái là Tả hữu hành lang và Trung cung. Đây là những hạng mục công trình nằm song song tạo thành kết cấu chữ “tam”. Hậu cung đình là ngôi nhà ngang 3 gian, được làm theo kiểu tường hồi bít đốc với 2 mái chảy lợp ngói ri. Các cấu kiện của bộ vì Hậu cung được bào trơn đóng bén thiên về độ vững trắc cho bộ khung của công trình.

Đình Phương Quế thờ Cao Sơn đại vương. Tương truyền, ngày 16 tháng ba, tại đất Bảo Sơn, quận Quảng Nam, nước Đại Minh có ông bà họ Cao sinh ra một người con trai tên là Hiển, tự là Cửu Trường. Khi sinh ra, tướng mạo Người khôi ngô, dĩnh ngộ, thiên bẩm thông minh, trí khí khác người. Lúc còn nhỏ đã am tường kinh sách thi thư, đặc biệt thông luận ngũ kinh. Năm 27 tuổi, ngài dự kỳ thi Hương và trúng cách. Năm Khánh Lịch thứ 6 triều Minh, ngài dự thi Đình và hai lần đỗ tiến sĩ. Vốn có tài cao nên ngài được phong giữ chức Thừa tướng và cử đi dẹp loạn. Sau khi toàn thắng trở về, vua Minh lại gia phong làm Đại thừa tướng giữ quyền Nguyên soái. Năm 78 tuổi, ngài về nghỉ dưỡng già. Cao Sơn đại vương liền đi du ngoạn và có đi qua vùng đất Phương Quế này. Thấy đây là vùng đất non nước hữu tình, việc nông trang trù phú, nên ngài đã dừng chân tại nơi đây và dạy nhân dân cấy cày, sau đó tiếp tục du ngoạn những nơi sơn kỳ thuỷ tú. Sau khi ngài hoá, vua nhớ tới công lao nên phong là Cao Sơn Quốc chúa đại vương và ban tên thuỵ là Trung Trinh.

Đình Phương Quế còn lưu giữ được: 2 bộ kiệu thời Lê, 2 bức hoành phi thời Nguyễn, 2 bộ long ngai, bài vị thời Lê, 1 tấm bia đá “Hậu thần bị kỉ” lập năm Gia Long thứ nhất (1802), chuông đồng “Hà Hồi tổng lục xã đồng phụng sự” đúc năm Duy Tân thứ hai (1902), 22 đạo sắc phong trong đó đạo sớm nhất có niên đại: Hoằng Định thứ 10 (1610); đạo muộn nhất có niên đại Duy Tân thứ 3 (1909)... và một số di vật khác.

Lễ hội được tổ chức từ ngày 12 tháng ba đến ngày 16 tháng ba âm lịch, ngày 15 tháng ba là ngày chính hội, đây chính là ngày sinh của đức Thành hoàng.

Đình Phương Quế đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá năm 2008./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)