Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phượng Mỹ (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 16/05/2023 17:25

Đình Phượng Mỹ thuộc xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Xưa thôn Phượng Mỹ có tên gọi là trang Phượng Lịch, xã Phượng , huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam Thượng.

dinh-phuong-my.jpg
Đình Phượng Mỹ

Lịch, tổng Bối Khê. Đến thời Nguyễn, niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841) ngôi đình đã được tôn tạo lại và có quy mô kiến trúc như ngày nay. Đình có kết cấu theo kiểu chữ “công” gồm Nghi môn, Phương đình, Đại bái, Trung cung và Hậu cung. Những công trình này đều xây tường hồi bít đốc, mái chảy lợp ngói ri in đậm dấu ấn thời Nguyễn, các bộ vì ở đây được làm theo kiểu “chồng rường” trên 4 hàng chân cột, những bộ rường, cốn đục chạm hoa lá cách điệu. Đáng chú ý là Nghi môn làm theo kiểu trụ biểu gồm 2 trụ chính, 2 bên là 2 cửa phụ 2 tầng 8 mái đắp giả ngói ống có đao cong và Phương đình là một ngôi nhà vuông làm theo kiểu 2 tầng 8 mái, kiến trúc theo kiểu chồng diêm với những hàng cột quân xung quanh. Các mái đao cong đắp rồng và kìm, đuôi cong hoá lá ôm bờ dải. Giữa nóc là lưỡng long chầu nguyệt. Phía trước Phương đình là phù điêu Hộ pháp đắp trên mặt tường, 4 mái phía trên là biểu tượng cho yếu tố dương, 4 mái dưới biểu tượng cho âm. Trên bộ vì rường, cốn đục chạm hoa văn, các tích long cuốn thuỷ mang khát vọng mưa thuận gió hoà, cầu mùa của cư dân nông nghiệp.

Đình Phượng Mỹ còn bảo tồn được khá nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc như tượng nàng tiên thắt đai xanh xoè cánh tay như chim phượng. Bức tượng này giống ở đình Ngọc Phúc (Quốc Oai). Pho thứ hai là tượng Huyền Thông, vị Thành hoàng được tạc theo kiểu tượng tròn ở tư thế ngồi chân chống, hai tay đặt trên đầu gối mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài ra, đình còn lưu giữ được kiệu bát cống, long đình chạm trổ rồng phượng công phu, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trong Hậu cung còn lưu giữ được 22 đạo sắc phong, đạo sớm nhất có niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), một cuốn thần phả ghi lai lịch Thành hoàng làng. Ông Huyền Thông chính là vị tướng giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, được phong là Thái uý cử đi đánh Ngô Nhật Khánh và Nguyễn Siêu. Trong các trận đánh này, các sứ quân đều thất bại, giang sơn thu về một mối, chấm dứt việc cát cứ của 12 sứ quân. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Đinh Bộ Lĩnh phong cho Huyền Thông là Thái uý thượng quốc đại vương. Sau đó, ông xin nhà vua cho 38 người ở trang Phượng Lịch và Hồ Liên làm gia thần giúp việc.

Đình Phương Mỹ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1998./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)