Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phương Mạc (huyện Đan Phượng)

Sơn Dương (t/h) 11:35 16/05/2023

Đình Phương Mạc thuộc xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

dinh-pmac.jpg
Đình Phương Mạc

Đình Phương Mạc được xây dựng từ lâu đời, dấu tích của những tôn tạo, tu sửa cho biết đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX. Năm 1925, đình được trùng tu; năm 1938 nhân dân sửa chữa lại phần mái và làm cửa võng; năm 1950 xây lại tường Hậu cung.

Theo truyền thuyết và lời kể của người dân nơi đây, đình Phương Mạc lúc đầu là ngôi đền thờ Phạm Bạch Hổ, Phạm Phòng Át, nhân vật trong 12 sứ quân thời Đinh. Sau này, mọi sinh hoạt văn hoá của làng diễn ra tại đây nên ngôi đền được gọi là đình Phương Mạc.

Đình còn giữ nguyên bố cục của một ngôi đền. Các bộ phận kiến trúc quay theo hướng tây bắc, nhìn ra sông Đáy. Di tích có quy mô kiến trúc lớn, bao gồm Nghi môn, Tiến tế, Đại bái và Hậu cung.

Giếng và cổng đình được làm theo kiểu Nghi môn, cổng chính là kiểu trụ biểu đèn lồng, trên đỉnh đắp chim phượng, hai bên có cổng vòm nhỏ và mái đao cong. Từ cổng vào là đường thần đạo, dài khoảng 3m là tới Tiền tế. Tiền tế vốn trước đây là ngôi nhà ba gian tường hồi bít đốc. Do bị xuống cấp nên nhân dân đã giải hạ, chỉ còn mặt bằng dài 12,7m, rộng 8,7m. Hai bên có nhà Tả hữu mạc. Hai dãi nhà này mới được phục hồi gồm 3 gian. Kết cấu các bộ vì làm theo kiểu “kèo kẻ quá giang”. Đối diện là ngôi miếu nhỏ, còn gọi là đền Mẫu, đây là nơi thờ mẹ của Thành hoàng làng. Ngôi đền này gồm hai gian hồi bít đốc, lợp ngói ri và xây tường gạch bao quanh. Các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “kèo kẻ quá giang”.

Đại bái theo kiểu hồi bít đốc, mặt bằng mái kiểu chữ “đinh”. Hệ thống cửa vào Đại bái làm kiểu “thượng song hạ bản”. Các bộ vì được làm theo hai dạng thức “giá chiêng kẻ bẩy” và “chồng rường kẻ bẩy” trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Ngoài ra còn hệ thống xà ngang, xà dọc chạy suốt toàn bộ công trình.

Bốn đầu dư của bộ vì gian giữa được nghệ nhân xưa chạm đầu rồng có niên đại thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX). Các câu đầu bào trơn đóng bén, xoi vỏ măng, vì nóc và con rường bụng lợn được trang trí hoa văn cỏ cây hoa lá. Bức cửa võng là một tác phẩm đục chạm hoa văn theo đề tài “tứ linh” được sơn son thếp vàng đề ba chữ Hán: “Cổ lưu phương” - Muôn đời lừng lẫy.

Hậu cung là một ngôi nhà dọc nối từ gian giữa toà Đại bái với ba gian tạo hình chuôi vồ. Các bộ vì được làm tương tự như toà Đại bái theo kiểu “chồng rường” trên 4 hàng chân cột gỗ. Trên thân các rường, bẩy có đục chạm hoa văn hoa lá, mây cụm cách điệu. Đặc biệt trên cốn giữa hình đầu rồng có mũi sư tử, mắt lồi, sừng hươu hai chạc, sáu lớp tóc uốn lượn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Đình Phương Mạc còn bảo lưu được nhiều di vật quý như hương án, đôi hạc gỗ thế kỷ XIX. Đáng chú ý là cuốn thần phả và 10 đạo sắc phong viết về lai lịch tướng quân Phạm Bạch Hổ, Phạm Phòng Át. Ngoài ra, đình còn lưu giữ một cuốn khoán ước gồm 149 điều với nội dung phong phú góp phần tìm hiểu về phong tục, tập quán và các lề luật của nông thôn Việt Nam xưa.

Đình Phương Mạc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)