Đình Phương Bản (huyện Chương Mỹ)
Đình Phương Bản thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Đình Phương Bản toạ lạc trên một khoảnh đất rộng, thuộc địa phận xã Phụng Châu - cửa ngõ để du khách hành hương tới ngôi Già Lam cổ tự Sùng Nghiêm (tức chùa Trăm Gian) nổi tiếng. Xưa kia, ngôi đình có kết cấu kiến trúc đồ sộ theo kiểu chữ “đinh” gồm 5 gian 2 chái trên 6 hàng chân cột. Trải qua thời gian, ngôi đình đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc ban đầu. Dấu tích còn để lại khá nhiều tại các bộ vì, nhưng niên đại khác nhau, ở hai đầu kìm đắp hai hình vuông đuôi cá tạo cho mái đình được đẩy lên cao như một chiếc thuyền đang lướt sóng. Nhìn trực diện, hiện vật đầu tiên mà du khách chiêm bái là đôi rồng đá có niên đại thế kỷ XVIII. Rồng trong tư thế ngẩng cao đầu, lưng uốn võng kiểu yên ngựa, các đao mác trải ngược về phía sau. Đây là linh vật thiêng, thể hiện sức mạnh quyền uy của thần linh. Vào bên trong, các bộ vì được làm theo kiểu kiến trúc truyền thống với những đấu vuông lớn đặt trên đầu cột cái làm đấu kê cho các câu đầu. Tuy nhiên, ở đầu các con rường, kẻ bẩy đã được tu sửa mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, các mảng hoạ tiết chạm nổi hình hoa lá cách điệu và những vân xoắn mà theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật thì đó là hình tượng của chớp trong ý thức cầu mưa của người Việt xưa. Hậu cung đình được bưng kín, mặt trước là cửa bức bàn, ván đố. Đây chính là nơi linh thiêng nhất, đồng thời đây cũng là nơi thờ 23 đạo sắc phong của các triều đại ban tặng cho Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Sử sách còn ghi, Phùng Hưng vốn quê ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây ngày nay). Đương thời, ông là người có sức khoẻ phi thường, lại có tinh thần dân tộc. Ông là người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh đổ ách đô hộ khắc nghiệt của nhà Đường thế kỷ VIII. Năm 782, Phùng Hưng được tôn làm vua, tổ chức lại đất nước, mở mang kinh tế. Sau khi ông mất, nhân dân đã tôn ông làm Bố Cái Đại Vương và nhiều nơi đã lập đền thờ để tưởng nhớ tới công đức của ông. Ngoài việc thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, đình Phương Bản còn phối thờ hai vị Uy Sơn và Ngọ Dịch (người đã giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân) làm Thành hoàng làng.
Ngoài 23 đạo sắc quý, đình Phương Bản còn lưu giữ nhiều di vật quý mà tiêu biểu là 3 bộ kiệu thời Lê cùng nhiều hoành phi, câu đối khác có giá trị.
Ngày 17 tháng 01 năm 1990, đình Phương Bản đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01