Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phượng Cách (huyện Quốc Oai)

Sơn Dương (t/h) 11:11 15/05/2023

Đình Phượng Cách thuộc xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

thach-tru-pc.jpg.jpg
Đình Phượng Cách

Đình mang tên địa danh của làng Phượng Cách, nay thuộc xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Làng Phượng Cách từ xưa có tên là Kẻ Gồ, rồi Gồ Cách và Ô Cách. Năm Đinh Mão (1867), dưới triều vua Tự Đức, Ô Cách đổi thành Phượng Cách, từ đó đến nay vẫn là nhất xã nhất thôn. Xã Phượng Cách thời Lê thuộc tổng Hoàng Xá, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam Thượng. Thời Nguyễn là tỉnh Sơn Tây. Sau Cách mạng tháng Tám, thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Địa thế của làng Phượng Cách có núi, có sông, phong cảnh hữu tình, nằm sát các cụm di tích nổi tiếng ở xứ Đoài như chùa Thầy, chùa Tây Phương.

Phượng Cách cách trung tâm Hà Nội chừng 20km. Từ Hà Nội theo đường cao tốc Láng - Hoà Lạc qua cầu sông Đáy tới km16 + 600 gặp ngã tư, rẽ phải theo đường huyện lộ khoảng 3km là tới di tích.

Đình toạ lạc ở giữa làng, xung quanh là những cụm dân cư bao bọc theo từng ô, từng lớp rất vuông vức như bàn cờ. Từ ngoài vào là hồ đình - cổng đình - sân đình, trong là toà Đại bái và Hậu cung.

Sân đình khá rộng, đủ để tổ chức lễ hội và sinh hoạt chung của làng xã. Giữa sân có hai trụ đá đồ sộ, cao tới 4,4m, bề rộng phía chân trụ tới 0,70m. Mỗi trụ đá là một khối đá, được tạo thành bốn mặt, ba mặt khắc nổi ba vế câu đối, còn một mặt khắc bài minh văn về việc tạo tác cột đá này. Trong đó, cho biết hai trụ đá được tạo bởi chính các nghệ nhân của làng vào năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743). Phía hai đầu sân là hai dãy Tả mạc, Hữu mạc, khép kín khuôn viên của đình. Phía sau là toà Đại bái, dài 22m, rộng 7,60m, chia làm 5 gian. Cửa giữa toà Đại bái có một thềm đá khắc hình rồng mây cách điệu. Toà Đại bái có kết cấu kiểu bốn hàng chân gỗ với vì kèo chồng rường. Trên các đầu dư, xà, kẻ, chạm nhiều đề tài trang trí như rồng, phượng, hoa lá. Hai đầu đốc đình là những dãy bia đá như một rừng bia, cả thảy hiện còn 17 tấm. Tuy nhiên, trước đây Học viện Viễn Đông Bác cổ thời Pháp đã in rập được 25 bia đá, hiện được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Bia có niên đại từ thời Lê, niên hiệu Vĩnh Thịnh, đến cuối thời Nguyễn. Trong đó, có nhiều bia rất có giá trị như bia “Sự tích bi ký” dựng năm Mậu Thân niên hiệu Bảo Thái thứ 9 (1728) ghi về sự tích thần làng và tục lệ thờ cúng lễ hội của làng. Thật hiếm có ngôi đình nào có nhiều bia đá quý như vậy. Toà Đại đình đã được làm lại vào thời Nguyễn.

Giữa toà Đại bái và Hậu cung có một sân lọng nhỏ, ở giữa có bốn cột đá xanh cao 2,30m dùng để dựng tàn lọng khi tế lễ, hội hè. Nhà Hậu cung cũng có 5 gian tương tự toà Đại bái, được kết cấu bởi 4 hàng chân gỗ với bộ vì nóc kiểu “giá chiêng, kẻ bẩy”, một đặc trưng kiến trúc thế kỷ XVII - XVIII mà ngày nay còn lại không nhiều. Trên thượng lương nhà Hậu cung có dòng lạc khoản tạo dựng đình vào năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1760). Tuy nhà Hậu cung đã được sửa chữa nhiều lần, song vẫn giữ được nguyên vẻ ban đầu tạo dựng của nó là đầu thế kỷ XVIII.

Trong số các mảng chạm còn lại, đặc sắc nhất là bức cốn ở gian bên phải nhà Đại bái, mô tả huyền thoại về sự tích táng mộ cha vào miệng rồng, toàn bức cốn là một hình rồng lớn, toàn thân uốn lượn trên sông nước. Phía đầu rồng, chạm nổi một người cởi trần, đóng khố, tay đang đặt một khối vuông vào miệng rồng. Dưới đôi rồng chạm nổi, một thầy địa lý đang thu mình ung dung chờ đợi. Huyền thoại trên gắn với sự tích Thành hoàng làng, đó là Lý Phục Man, một võ tướng giúp Lý Bí dựng nước Vạn Xuân vào thế kỷ thứ VI.

Theo thần tích và bi ký ở đây, Lý Phục Man người làng Cổ Sở được Lý Bí giao cho trấn trị vùng Đỗ Động - Đường Lâm. Ơn nhờ tài đức của ông cả vùng yên ổn, sung túc. Lúc chinh chiến ông bị thương và về đến Kẻ Gỗ này thì hoá. Dân tôn thờ ông làm Thành hoàng làng, được các triều vua sau này ban sắc phong, cho phụng thờ. Hiện nay, làng còn giữ được 9 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn. Hội làng mở vào ngày mồng 10 tháng hai âm lịch, có các làng kết chạ đến dự như làng Trạng Bùng, Hoàng Xá, Ngô Sài. Hội lễ diễn lại võ công của Lý Phục Man với tiếng trống chiêng dậy đất, cờ xí rợp trời và đoàn ngựa xe, binh lính dồn dập.

Đình Phượng Cách đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích và kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)