Mỹ thuật

Công Quốc Hà trong dòng chảy mỹ thuật hiện đại

Đặng Trường Lưu 08:04 17/05/2023

Nói về diện mạo mỹ thuật Việt Nam, kể từ hai thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, khó có thể hình dung đầy đủ nếu thiếu Công Quốc Hà - một gương mặt sáng giá. Ông là họa sĩ sơn mài kể từ khi ra trường, chịu ảnh hưởng nhiều ở người thầy Nguyễn Kim Đồng và danh họa Nguyễn Sáng. Nhưng sự ảnh hưởng ấy chỉ mang ý nghĩa ước lệ; hoặc cụ thể hơn, như một hành trang ban đầu, bởi những gì mà ông đóng góp trong quá trình sáng tạo đã hoàn toàn vượt khỏi những sức ép tâm lý thông thường trước bối cảnh xã hội và nghệ thuật đầy biến động, với bao đòi hỏi quyết liệt về sự dấn thân của cả một thế hệ nghệ sĩ.

cong-quoc-ha1.jpg
Chân dung tự họa (sơn dầu, 1982)

Ra trường năm 1979, Công Quốc Hà xuất hiện như một họa sĩ sơn mài chững chạc, tài hoa và bản lĩnh. Ông không mất nhiều thời gian cho việc chạy theo những khuynh hướng lạ lẫm thời thượng, ở đó, theo ông, những biểu hiện của chủ nghĩa hình thức chỉ làm người ta lóa mắt trong thời gian ngắn ngủi bởi nhận thức con người luôn vận động và những đòi hỏi nội tâm trước ý nghĩa nhân văn từ nội dung tác phẩm là vấn đề vĩnh cửu. Tác phẩm "Ra khơi trở về" được vẽ năm 1980 cùng loạt tranh sơn mài khác của ông là một ví dụ. Ở tác phẩm này, con người và thiên nhiên có sự giao hòa đến cảm động. Những nhân vật nhỏ bé trước những con thuyền lớn. Bão tố dữ dằn, rập rình sống chết hằn in nơi cánh buồm đang cuộn lại và bầu trời mặt sóng như vẫn còn vần vũ trỗi lên. Không gian bình thản, cái bình thản đến lặng thầm của sinh nhai lam lũ và nguy hiểm. Công Quốc Hà khắc họa điều đó thay vì vẽ những con thuyền cá tôm đầy ắp với chợ người chợ cá hể hả niềm vui. Tác giả cho ta cái nhìn nhân văn rất riêng ngay từ ngày ấy.

cong-quoc-ha2.jpg
Tác phẩm "Phố của tôi" (sơn mài, 2023)

Trước một tấm vóc đen thăm thẳm, họa sĩ có thể run lên vì một vẻ đẹp vô thức khi bất đồ hớ hênh đánh đổ vài giọt sơn vào đó. Nói như thế là nói tới điểm mạnh, cái yếu tố dễ trở nên đẹp của chất liệu sơn mài, nhưng nói thế cũng là nói tới cái khó của những người làm sơn mài trong ý thức đưa chất liệu này vào nghệ thuật. Tính khôn lường biến ảo của sơn mài phụ thuộc vào nguyên liệu, thời tiết và kỹ thuật mài thêm hay dừng lại được quyết định trong nhạy cảm của nghệ sĩ. Những điều hồn cốt ấy, họa sĩ sơn mài nào cũng nhận ra, cũng sở hữu. Nhưng thành công không mỉm cười với bất cứ ai, cho dù sự lao động cần cù nghiêm túc ở họ là tấm gương sáng chói. Ở Công Quốc Hà, khả năng vượt lên để khẳng định mình có từ rất sớm, khi ông chọn học sơn mài, rồi chọn sơn mài làm đối tượng nghiên cứu, thể nghiệm và sáng tác trong ngót 30 năm nay. Số phận đã buộc ông sống với sơn mài và cho ông nhiều may mắn, rồi chính ông đã trả nghĩa cho số phận bằng thành quả lao động đầy sáng tạo, góp phần làm chất liệu sơn mài trở nên sang trọng, và đặc biệt có khả năng ám ảnh nội tâm hơn.

cong-quoc-ha3.jpg
Tác phẩm "Sen mùa hạ" (sơn mài, 1998)

Người ta nói nhiều suốt hai thập kỷ nay về những tranh phố Hà Nội của Công Quốc Hà. Quả thực, tranh phố của ông không lẫn với ai, không lẫn vào đâu được; không hề gợi cho người xem một na ná Bùi Xuân Phái với những phố nhà xô lệch. Tranh phố Hà Nội của Công Quốc Hà là tập hợp những khái niệm mà ở đó, hình nhà, mái ngói có tính trừu tượng, được ấn định bởi những đường viền ngang dọc to khỏe, quyết liệt như muốn khẳng định sức sống trường tồn của mảnh đất có bề dày văn hiến.

Không phải ngẫu nhiên mà tranh phố Hà Nội của ông bao giờ cũng xuất hiện một hai lỗ nhỏ, khi là vòm cổng, khi là lỗ thông hơi vòm mái. Tôi chợt mỉm cười một mình khi liên tưởng đến con mắt phố phường của họa sĩ đang đăm chiêu nhìn vào thực tại.

cong-quoc-ha4.jpg
Tác phẩm "Nữ sinh Hà Nội" (acrylic, 2023)

Với tranh phong cảnh, những tiết độ quyết đoán ở nét có giảm đi đôi chút để các hòa sắc được thể trải ra cho người xem nhận về những thông điệp trữ tình bay bổng. Tác phẩm "Chợ hoa tết Hà Nội" được ông vẽ trong mạch tư duy ấy khi đặt mấy nhóm người rất nhỏ mua và bán sát dưới chân tranh, còn toàn bộ không gian mênh mông, ông dành cho sự hiện diện của các mái nhà, và tán cây cổ thụ. Thì ra, tác giả không miêu tả phiên chợ, mà là miêu tả một cuộc đua chen đầy kịch tính của sự sống, trước sắc màu chợ hoa, trước con người nô nức đến với chợ hoa trong thời khắc chuyển mùa, những mái nhà rêu phong, những cành cây cổ thụ dường như cũng muốn vận mình sinh nở, muốn bung ra giữa thanh thiên bạch nhật cái hương sắc riêng mình.

Ở Hà Nội, có nhiều họa sĩ vẽ hoa đã thành danh, một trong số đó có Công Quốc Hà. Tranh của Công Quốc Hà trên sơn mài cho ta cái nhìn mới khi ý tưởng được gửi vào những hòa sắc mạnh, nhiều khi đối chọi và cực kỳ đằm thắm. Tôi thích bố cục và cách xử lý hình vừa ngộ vừa hóm, vừa như chuyển tải một triết lý phương Đông, nhẹ mà sâu từ tác phẩm "Hoa sen cạn", "Cúc tím" hay "Hoa nhiệt đới". "Sen mùa hạ" là tác phẩm đẹp với hòa sắc xanh ghi mát mẻ. Giữa rất nhiều tác phẩm với những gam màu mạnh, hòa sức xanh ghi tựa cơn gió rười rượi mát lành thổi vào lòng người xem khi trưa hè oi ả.

Vượt lên tất cả lại là khả năng sáng tạo của ông khi đưa vẻ đẹp phụ nữ vào tác phẩm sơn mài. Những nữ sinh, những em bé, những thiếu phụ với vẻ đẹp sang trọng thuần khiết từ hình thể được vuốt mảnh trong tà áo dài Hà Nội. Những áo dài hoa với họa tiết rất đặc trưng của Công Quốc Hà như hé gợi người xem một thoáng nội tâm nhân vật, thầm thì trong sắc màu lộng lẫy, hoặc trầm ấm, có khi pha chút lảnh lói của vàng của bạc đủ nói lên điều sang trọng mà không gợn kiêu sa.

Trong toàn bộ sáng tác về đề tài phụ nữ, phần lớn vẽ một người, khi soi gương, chải tóc, khi ngồi bên bể cá, chậu cây, ta bỗng nhận ra Công Quốc Hà nhân vật của ông không hề đơn độc. Dường như họ vừa mới chuyện trò, tâm sự cùng ai, hoặc nói với bóng mình trong gương, hoặc gửi nỗi niềm vào con chim, con cá, chậu cây hoặc đang nói với con người thứ hai của mình, con người đó ẩn hiện trong từng tiết độ hút hồn nơi không gian sơn mài mơ mộng. Tôi để ý mái tóc những người phụ nữ trong tranh và nhận ra chỉ riêng ông mới có điều lạ ấy. Những mái tóc khi bồng bềnh như mây, như khói, khi chảy dài thẳng đứng như thác đổ, khi lại như những hình lập thể kỳ hà. Những mái tóc ấy làm cân bằng bố cục và màu sắc, là một điểm nhấn, là một tuyên ngôn của vẻ đẹp phụ nữ. Cứ miệt mài mà ngắm, kể cả loạt tranh khỏa thân - cái đẹp không hề gợi tục, thì mái tóc, bàn tay của nhân vật có khả năng chuyện trò cùng ta hơn cả. Thì ra, Công Quốc Hà vẽ tóc bằng một cảm quan riêng, là thủ pháp riêng không dễ gì sẻ chia ai được.

Sinh năm 1955 trong một gia đình Hà Nội gốc, gia thế và thanh lịch, con người cùng lối sống của Công Quốc Hà phả vào tác phẩm như một tấm gương trung thực và sinh động - ấy là những tác phẩm thắm đậm màu sắc và nhân hậu tình người. Nếu như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Khang, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… cùng những họa sĩ ở thế hệ đầu tiên của trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương có công khai phá, đặt nền cho nghiên cứu và sáng tạo, đưa chất liệu sơn mài truyền thống vào nghệ thuật tạo hình, thì những người ở thế hệ tiếp theo như Công Quốc Hà là gương mặt tiêu biểu và tài năng tiếp tục tinh thần sáng tạo và kế thừa đội ngũ đó.

Nhập vào dòng chảy nghệ thuật thế giới hôm nay, mỹ thuật Việt Nam vô cùng cần đến những phong cách đa dạng với bản sắc dân tộc riêng biệt. Có nhiều họa sĩ suốt đời thủy chung với sơn mài và có thể một vài thành công đến với họ từ chất liệu ấy, nhưng để biến chất liệu ấy thành phong cách cá nhân trong hội họa, theo nhận xét của nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt mà tôi tâm đắc thì Công Quốc Hà là một trong rất ít họa sĩ đã làm được điều đó./.

Đặng Trường Lưu