Đình Phương Châu (huyện Ba Vì)
Đình Phương Châu thuộc xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Đình được xây dựng trong vùng tụ cư sớm của người Việt cổ. Nơi đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều di vật thuộc sơ kỳ kim khí, cách ngày nay khoảng 4000 năm.
Ngôi đình nằm trên thế đất rộng và cao ráo ở vị trí trung tâm của làng, nhìn về phía đông nam - hướng ngọn núi Ba Vì.
Căn cứ vào tư liệu Hán Nôm lưu giữ trong di tích thì đình Phương Châu thờ hai vị thánh là Cao Sơn và Quý Minh, đã có công giúp Hùng Duệ vương đánh giặc Thục.
Đây là ngôi đình có niên đại tạo tác vào thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII), đã qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc ban đầu. Di tích hiện nay làm kiểu chữ “đinh” gồm toà Đại bái và Hậu cung.
Đại bái đình có 5 gian 2 dĩ, kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng. Đỡ mái có 6 hàng chân cột đều được làm bằng gỗ tứ thiết. Bờ nóc và bờ dải đắp nổi đề tài: Lưỡng long chầu nguyệt, hoa chanh và có một số con giống (kìm, nghê...). Nghệ thuật chạm khắc của đình được thể hiện trên các đầu dư, cột, bức cốn và cửa võng với nhiều đề tài phong phú như đầu rồng miệng ngậm ngọc, người cưỡi hổ, lưỡng long chầu nguyệt.
Hậu cung gồm ba gian chạy dọc. Gian trong cùng là nơi thâm nghiêm nhất bài trí một khám thờ lớn bằng gỗ sơn son thếp vàng cùng một số đồ tế tự gồm: 3 cỗ kiệu, 1 cỗ long ngai bài vị thời Lê; 19 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, đạo sớm nhất mang niên hiệu Dương Hòa (1637), muộn nhất là đạo mang niên hiệu Khải Định (1924). Đôi cây nến gỗ, giá văn, bộ bát bửu, đôi hạc, hương án, hoành phi và rất nhiều di vật có giá trị khác.
Đình Phương Châu đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1999./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01