Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phương Trung (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 17:30 16/05/2023

Đình Phương Trung thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Đình có tên gọi theo địa danh làng Phương Trung. Ngôi đình vốn có từ lâu đời, đến triều vua Thành Thái thứ 6 (1894) vào năm Giáp Ngọ, nhân dân làng Phương Trung tu bổ, tôn tạo Đại bái và Hậu cung. Đến triều vua Duy Tân, năm Tân Hợi (1911) nhân dân làm thêm dãy Tả hữu mạc. Năm 1950, Thực dân Pháp ném bom làm hư hỏng ngôi đình. Năm 1953, nhân dân lại tu sửa để ngôi đình có kiến trúc như hiện nay.

Trước đây, đình Phương Trung có kết cấu theo kiểu “nội công ngoại quốc” sau năm 1953, nhân dân tu sửa thành kiểu chữ “nhị” với toà Đại bái phía trước, Hậu cung phía sau, hệ thống tường bao quanh chữ “vi”.

Các bộ vì phổ biến ở đình Phương Trung là kiểu “chồng rường, kẻ bẩy”, giữa cột cái và cột quân là bộ vì ván mê chạm khắc đề tài tứ linh và tứ quý khá sinh động. Trên bức cốn hiện có 3 con hổ trong tư thế “bình tấn” mang phong cách nghệ thuật dân gian sâu đậm.

Trong đình còn lưu giữ được 25 đạo sắc phong của các triều đại. Khánh đồng có niên hiệu Thành Thái thứ 17 (1905), một đôi hạc đồng cao 1,65m đúc vào năm 1921, một quả chuông đồng cao 62cm, đường kính 110cm, có niên hiệu Thành Thái thứ 17 (1905).

Theo thần phả, sắc phong và các di văn hiện còn lưu giữ tại đình, Thành hoàng mà nhân dân Phương Trung thờ phụng chính là Phùng Hưng (? - 789), tức Bố Cái Đại Vương và Nguyễn Xí (1396 - 1465), một vị tướng triều Lê. Phùng Hưng vốn xuất thân trong một gia đình hào trưởng ở đất Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây). Vào thế kỷ VIII, bị nhà Đường đô hộ, thuế khoá nặng nề, nhân dân lầm than thống khổ, Phùng Hưng liền dấy binh khởi nghĩa, đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Sau khi giành được quyền tự chủ được 7 năm thì Phùng Hưng mất. Nhân dân kính trọng tôn làm Bố Cái Đại Vương, lập đền thờ ở Đường Lâm (Sơn Tây), Phương Trung (Thanh Oai), Quảng Bá (Hà Nội)... Danh tướng Nguyễn Xí, người Thượng Xá, huyện Châu Phúc (nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Thời đó, quân Minh xâm lược nước ta, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hoá). Nguyễn Xí vào yết kiến và được Lê Lợi trọng dụng giao giữ binh quyền đánh giặc. Ông cùng với các tướng khác lập lên chiến công tại Tốt Động, Trúc Động (vùng Chương Mỹ ngày nay) và tại Xương Giang (Bắc Giang). Sau khi khởi nghĩa thắng lợi Nguyễn Xí là một trong những vị công thần khai quốc.

Đình Phương Trung đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1985./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)