Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phương Liệt, chùa Linh Quang và miếu ông Trạng (quận Thanh Xuân)

Sơn Dương (t/h) 17:25 15/05/2023

Đình Phương Liệt, chùa Linh Quang và miếu ông Trạng thuộc phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

phuong-liet.jpg
Đình Phương Liệt

Đình thờ Cao Sơn đại vương là vị thần được nhiều nơi thờ và cũng có nhiều truyền thuyết về vị thần này. Theo nhiều nơi cho rằng Cao Sơn có tên là Nguyễn Hiền và em ruột là Nguyễn Sùng (Quý Minh) đều là anh em con chú của Sơn Tinh (Tản Viên Sơn Thánh) là người ở trang Thanh Uyên, huyện Tam Nông, Phú Thọ. Thần Cao Sơn đã có công chống thuỷ tại do Thuỷ Tinh gây nên để đánh Sơn Tinh. Bên cạnh ngai thờ Cao Sơn còn có ngai thờ Hoá Quang tôn thần, theo bài vị đề là “Tích Lịch Hoa Quang tôn thần”.

Đình Phương Liệt được xây dựng từ lâu, qua nhiều tu sửa. Ngày nay, đình còn gọi là những nét kiến trúc thời Nguyễn. Từ ngoài vào là Tam quan, qua sân hai bên là Tả hữu mạc đến Đại đình và khu phụ ở phía sau, bao quanh đình có tường thấp.

Đại đình hiện còn 5 gian xây bít đốc, kết cấu theo kiểu chồng rường, bốn hàng chân, nền lát gạch, gian giữa được tôn cao 20cm để làm nơi hành lễ.

Các mảng cốn, kẻ đều chạm đề tài tứ linh và hoa văn lá lật. Phần trạm trổ trong đình còn có cửa võng sơn son thếp vàng.

Chùa Linh Quang (chùa Phương Liệt) thờ Phật. Trong những năm đầu cách mạng chùa là nơi liên lạc, hội họp, nơi đội Thanh niên Cứu quốc họp năm 1945 chuẩn bị cướp chính quyền ở Hà Nội, là nơi liên lạc của biệt động thành. Do tham gia và giúp đỡ cách mạng, sư cụ Đàm Thành đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến.

Chùa Phương Liệt có tên chữ là Linh Quang tự.

Chùa chính có kiến trúc kiểu chữ “đinh”, có Tiền đường 5 gian bít đốc, có 2 trụ biểu phía trước. Thượng điện có 3 gian dọc nối với Tiền đường. Chùa có 25 pho tượng ở chùa và 3 pho tượng ở nhà Tổ.

Ngoài tượng Phật trong chùa còn có bia hậu và 1 bia về xây dựng chùa. Chính giữa ghi chữ “Bát Nhã Thiền” về phía dưới là phù điêu một quan chức ngồi khoanh chân. Bia có niên đại 1725 (Lê Dụ Tông).

Ngoài phần kiến trúc đình, chùa còn giữ được nhiều hiện vật đồ thờ như hoành phi, đỉnh đồng, cây nến, 2 chuông đồng, bia và các tượng. Trong các bia có những tấm bia có niên đại thế kỷ XVII, XVIII, chứng tỏ các công trình xây dựng là có từ lâu.

Miếu làng Phương Liệt được dân làng gọi là miếu ông Trạng. Miếu thờ Lưu Danh Công, người làng Đan Nhiễm, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Khi thi đậu trạng nguyên được vua gả cho một cung nữ là bà Trịnh Thị Ngọc, quê ở Phương Liệt. Ông về ở quê vợ và được vua ban cấp cho ruộng đất gọi là “Cánh đồng bà Chúa”. Ngày nay, ngôi miếu nằm trong khu vực do xí nghiệp Trần Phú quản lý. Vì quá lâu đời, miếu cổ đã hỏng nhưng nhân dân đã dựng lại miếu để thờ trên nền đất cũ.

Đình, chùa Phương Liệt, miếu ông Trạng và những di vật còn lưu giữ tuy không điển hình về kiến trúc nghệ thuật nhưng là những chứng tích của lịch sử và những phong cách nghệ thuật.

Cụm di tích đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)