Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phúc Thụy (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 16:21 14/05/2023

Đình Phúc Thụy thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

dinh-phuc-thuy-thanh-oai.jpg
Đình Phúc Thuỵ

Đình Phúc Thuỵ có tên nôm là đình Chảy. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngôi đình này vốn là đình chung của hai làng Phúc Lâm và Phượng Thụy.

Đi qua làng Phượng Thuỵ sẽ đến làng Phúc Lâm. Khoảng đất nổi giữa 2 làng Phúc Lâm và Phượng Thuỵ chính là khuôn viên của ngôi đình.

Đình Phúc Thuỵ được khởi dựng vào thời Lê. Đến năm 1907, triều Nguyễn được xây lại mang lối kiến trúc kiểu chữ “công” gồm các hạng mục Đại bái, Trung cung và Hậu cung.

Đại bái gồm 5 gian với các bộ vì kèo liên kết với nhau bởi các con rường, xà vững chãi và có kết cấu theo kiểu “giá chiêng chồng rường”. Bộ vì nào cũng có đầu dư chạm rồng. Các bức cốn gian giữa đều được chạm trổ công phu theo các tích tứ linh, tứ quý. Các vì chạm hình dây leo, lá lật, các đầu kê con nhị cũng được chạm trổ khá tỉ mỉ. Khác với các ngôi đình cùng thời thường có kết cấu theo kiểu tường hồi bít đốc, hai đầu hồi trên có đấu thẳng, đình Phúc Thuỵ lại được cổ nhân làm theo kiểu bốn mái, hai đầu hồi là hai mái phụ, máng đỡ hiện cong hình thuyền tạo 4 góc đình với các mái đao cong giữ kiểu dáng kiến trúc thời Lê.

Đình là nơi thờ Thành hoàng làng Lữ Gia, một vị tướng thời Triệu. Tương truyền, ông là một lão tướng trung kiên, có tài thao lược. Sau khi ông mất, nhân dân nhiều nơi thờ phụng, trong đó có làng Phúc Thuỵ. Hàng năm, cứ vào ngày 14 tháng giêng âm lịch, nhân dân lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công lao của ông.

Ngoài các di vật như bát hương, long ngai bài vị, lư hương, đỉnh đồng, thì đáng chú ý hơn cả về mặt nghệ thuật điêu khắc, đình Phúc Thuỵ còn lưu giữ bức cửa võng được chạm trổ công phu, tỉ mỉ có niên đại thời Lê.

Đình Phúc Thuỵ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)