Lăng Phùng Hưng (quận Đống Đa)
Lăng Phùng Hưng thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội.
Lăng Phùng Hưng là tên thường gọi của di tích. Tên chữ là “Phùng Vương cố lăng” (lăng cũ Phùng Vương) theo cách gọi của các nhà nho trước đây.
Lăng nằm trong khuôn viên Nhà máy Chế tạo thiết bị lạnh Hà Nội (trước đây là Nhà máy cơ khí Long Biên) ngay cạnh bến xe Kim Mã, gần đầu phố Giảng Võ, thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tương truyền địa điểm xưa là khu vực hoa sen có thế đất đẹp, sau khi Phùng Hưng mất khu này được xây dựng thành lăng mộ của ông.
Thực ra Phùng Hưng được thờ ở rất nhiều nơi chẳng hạn ở vùng Đường Lâm quê ông, ở Quảng Bá, ở Triều Khúc, và đặc biệt trong nội thành Hà Nội ở các thôn phường trại Kim Mã, Ngọc Khánh, Ngọc Thanh, Hoàng Cầu, Thịnh Hào, Đông Các đều thờ ông làm Thành hoàng. Lăng của ông cũng được xây dựng ở nhiều nơi. Nếu chỉ tính riêng ở vùng tổng Nội, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ cũng thấy lăng ở Kim Mã, lại thấy cả lăng ở khu tập thể Thịnh Hào - xác định một cách chính xác đâu là nơi thờ chính, đâu là nơi thờ vọng, di tích nào được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ VIII (cách ngày nay 1.200 năm) còn di tích nào mới chỉ được xây dựng sau này, đây cũng không phải là việc làm đơn giản.
Căn cứ vào tư liệu điều tra thực tế và tham khảo kết quả nghiên cứu của các nhà sử học..., có thể dự đoán rằng lăng Phùng Hưng ở Kim Mã là lăng chính, được xây từ sau khi Phùng Hưng qua đời.
Điều này đã được ông Vũ Tuấn Sán khẳng định từ năm 1978 “Phùng Hưng có lăng ở phố Giảng Võ đi vào, ngày xưa thuộc phường Thịnh Hào trông nom, là một khu khá rộng, có hồ ao, trước mặt có cây cổ thụ xum xuê” (Lược sử khu phố Đống Đa, Phòng Văn hoá Thông tin khu phố Đống Đa ấn hành 1978). Trong cuốn “Hà Nội - Thủ đô nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” - NXB Sự thật, Hà Nội, 1984, tác giả viết: “Khoảng năm 776, 779 thủ lĩnh vùng Đường Lâm (chân núi Ba Vì) là Phùng Hưng cùng em là Phùng Hải và người đồng hương là Đỗ Anh Hàn nổi dậy đem quân bao vây phủ thành An Nam (Hà Nội ngày nay), viên đô hộ lo sợ phát bệnh chết - ông tiến công phủ thành thắng lợi, xây dựng quyền tự chủ tới năm 791, nhân dân tôn ông là Bố Cái Đại Vương (vị vua lớn). Lăng ông hiện nay ở Kim Mã” .
Phùng Hưng quê ở Đường Lâm, nay là thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, huyện Ba Vì (quê hương của bà Man Thiện mẹ đẻ Hai Bà Trưng và quê hương của Ngô Quyền).
Lăng Phùng Hưng xưa nằm trên khu hoa sen (khu đất có hình như đoá hoa sen nở, cánh hoa xoè ra, nhuỵ hoa ở giữa chính là vị trí của lăng), nhìn xuống hồ Bố Cái và phía bên kia hồ là hình con phượng hoàng.
Lăng Phùng Hưng hiện nay được xây theo kiểu một bệ thờ lộ thiên trong khu đất hình chữ “nhật” dài 8m, rộng 4m (diện tích 32m2). Trên gắn bức đại tự đề: “Phùng Hưng cố lăng”.
Câu đối bên phải ghi:
“Đường nhân kì hữu thảm hoa ngạc hiệu, hung thần hậu biên vô hằng vũ giáp”.
“Hán tặc hà túc xỉ thảo tang xương nghĩa sinh tiền bất số lục lâm binh”.
Ở góc tay phải phía sau lăng, cách lăng khoảng 4m có một cây đa nhỏ sau lăng và bám vào bệ thờ góc phía bên trái có một cây si nhỏ, cằn cỗi.
Bệ thờ quay về hướng tây, phía trước có hai bồn hoa. Toàn bộ khu bệ thờ được bao quanh bằng một bức tường thấp mở một lối vào nhỏ ở góc tây nam.
Từ xưa dân trong vùng thường tổ chức lễ tưởng niệm Phùng Hưng vào ngày hoá (13 tháng tám âm lịch) và ngày sinh (25 tháng chạp âm lịch) của ông.
Lăng Phùng Hưng ở Kim Mã là một di tích lịch sử gắn liền với thân thế và sự nghiệp của danh nhân Phùng Hưng - người anh hùng đứng vào hàng ngũ những anh hùng đi tiên phong trong cuộc đấu tranh nghìn năm chống Bắc thuộc, giành lại nền độc lập dân tộc. Sự nghiệp vĩ đại của Phùng Hưng gắn liền với lịch sử đất nước và là một trong những trang đầu, chương đầu hào hùng của lịch sử Thủ đô.
Lăng Phùng Hưng đã được tu bổ nâng cấp năm 1998 - 1999 và luôn được bảo vệ, phát huy trong giáo dục truyền thống.
Lăng Phùng Hưng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1981./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01